Thứ Tư, 4 tháng 11, 2015

Cánh đồng "khủng" ươm giá sạch bên bờ Trà Khúc

Với khu vực gieo ủ kéo dài hàng cây số cho lượng giá sạch thu hoạch nhiều thời điểm tới cả chục tấn/ngày, bãi cát ở bờ bắc sông Trà Khúc (đoạn đi qua xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) là một trong những cánh đồng sản xuất giá đỗ xanh lớn ở Quảng Ngãi.

Từ hàng chục năm nay xã Tịnh Hà đã trở thành "vựa" cung cấp giá ăn chủ yếu cho người dân Quảng Ngãi. Theo đó, ngoại trừ mùa mưa lũ, nước sông lên cao; cứ vào tầm 14 giờ người dân nơi đây lại í ới gọi nhau mang xô, thùng, rổ... ra bờ sông để gieo ươm giá.
Có hơn 12 năm gắn bó với nghề, anh Nguyễn Văn Bình (39 tuổi) chia sẻ: "Quá trình gieo ươm, ủ cho đến khi thu hoạch giá của bà con nơi đây hoàn toàn theo kiểu tự nhiên chứ không sử dụng bất cứ một loại hóa chất kích thích nào nên sản phẩm sạch 100%".
Theo lời anh Bình, đậu xanh mua về để làm giá, sau khi được ngâm trong nước sạch từ 3-5 giờ và loại bỏ những hạt kém chất lượng (là những hạt lép nổi lên trên mặt nước, bị thẫm màu)... sẽ được tìm chọn một chỗ cát sạch để gieo.
"Đây là khâu quan trọng của việc làm giá. Bởi lẽ nếu lựa chọn vị trí gieo ủ mà đất không sạch (có nhiều phù sa, tạp chất, dơ bẩn...) thì đỗ xanh sẽ không nẩy mầm, hư hỏng, hoặc chất lượng giá kém. Và mỗi vị trí chỉ gieo ươm một lần/năm, rồi chuyển đến vị trí khác. Khi nào nước sông lớn ngập và tràn qua, cuốn đi hết cặn bã thì mới trồng lại được", chị Lê Thị Huyền (32 tuổi) bày tỏ.
Theo đó, trên phần diện tích định gieo ủ, sau khi cào đất ra hai bên để tạo thành những rãnh rộng từ 0,6-1m, dài 10-20m, người dân dùng nắp xoong đào những ô tròn nhỏ, với đường kính khoảng 50cm, sâu từ 70-90cm... để gieo đỗ xanh và ủ.
Cứ mỗi lớp đậu là phủ lên một lớp cát mỏng cho đến khi ô đầy. Và để giá nẩy mầm cần phải có đủ độ ẩm, cho nên hàng ngày vào các buổi sáng, trưa, chiều tối người trồng phải tưới nước.
Tùy vào điều kiện lao động của từng hộ mà số ô gieo trồng của từng gia đình khác nhau. Nhà ít người thì làm 10 ô, nhiều lao động thì 20-30 ô. Thời gian từ khi ủ đến khi thu hoạch từ 4-5 ngày, với số lượng đậu xanh gieo, ủ khoảng 1kg/ô thì thu hoạch được  6-8kg giá.
Với giá bán hiện từ 7.000-8.000 đồng/kg, nếu làm khoảng 10 ô thì sau khi trừ các khoản chi phí sẽ thu về lợi nhuận trung bình từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Đây là một mức thu nhập khá so với tiền công của nhiều việc làm khác.
Mời bạn đọc đến với những hình ảnh về quy trình ươm giá trên bờ cát:

Cào cát để tạo rãnh.
Cào cát để tạo rãnh.


Đào hố....
Đào hố....

...và gieo ủ
...và gieo ủ


Tưới nước để tạo độ ẩm cho đậu xanh nẩy mầm.
Tưới nước để tạo độ ẩm cho đậu xanh nẩy mầm.

Những ổ giá vừa được gieo ủ hoàn tất
Những ổ giá vừa được gieo ủ hoàn tất

Một ổ giá đã nẩy mầm
Một ổ giá đã nẩy mầm

Thu hoạch giá.
Thu hoạch giá.

Một góc cánh đồng giá ở xã Tịnh Hà.
Một góc cánh đồng giá ở xã Tịnh Hà.


Hồ tiêu “sốt” giá, dân đổ xô trồng

Giá hồ tiêu liên tục tăng và giữ ở mức cao trong hơn 2 năm qua đưa cây tiêu lên vị trí “đầu bảng” trong ưu tiên phát triển của người nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh diện tích cây hồ tiêu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh và nguy cơ mất giá của sản phẩm này.

“Không cây gì hơn cây tiêu”

Gia đình ông Hà Cảnh Phán, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc đã quyết định chặt bỏ vườn chôm chôm để chuyển sang trồng tiêu
Gia đình ông Hà Cảnh Phán, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc đã quyết định chặt bỏ vườn chôm chôm để chuyển sang trồng tiêu
Sau nhiều năm gắn bó với cây chôm chôm, tháng 7 vừa qua, ông Hà Cảnh Phán, (ngụ ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) quyết định chặt bỏ hơn vườn chôm chôm của gia đình để chuyển sang trồng tiêu. Theo ông Phán, thu nhập từ chôm chôm cũng khá ổn định, tuy nhiên ở thời điểm này, nếu nói về hiệu quả kinh tế thì khó có cây trồng nào sánh được với cây tiêu.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Chánh cũng đang bận rộn với gần chục người nhà đào hố để trồng cây nọc phục vụ cho việc trồng mới cây tiêu. Hiện tại, gia đình ông Chánh đã có gần 2 ha tiêu cho thu hoạch ổn định. Thời gian gần đây, do giá tiêu luôn ở mức cao nên gia đình ông quyết định trồng mới thêm tiêu trên diện tích đất vườn còn dư.
Không những vậy, trên điện tích tiêu đã cho thu hoạch ổn định, ông Chánh cũng tận dụng đào thêm hố trồng nọc tiêu để tận dụng diện tích trống. “Từ năm 2012 đến nay, giá tiêu liên tục tăng, hiện giá tiêu khoảng 200.000 đồng/kg, với mức giá này thì xét về thu nhập thì cây tiêu cho giá trị cao nhất nên gia đình quyết định tận dụng toàn bộ diện tích để trồng mới” , ông Chánh chia sẻ.
Các địa phương trọng điểm có thế mạnh về cây tiêu của tỉnh Đồng Nai như huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ thời gian qua diện tích hồ tiêu liên tục tăng nhanh do người dân đổ xô trồng.
Gia đình ông Nguyễn Chánh, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc tận dụng lối đi giữ vườn tiêu đã cho thu hoạch để trồng thêm tiêu mới
Gia đình ông Nguyễn Chánh, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc tận dụng lối đi giữ vườn tiêu đã cho thu hoạch để trồng thêm tiêu mới
Tại huyện Xuân Lộc, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện đã tăng hơn 300 ha đưa diện tích hồ tiêu của toàn huyện thời điểm hiện tại đạt hơn 2.800 ha.
“Theo quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của huyện, đến năm 2020, Xuân Lộc sẽ phát triển khoảng 3.200 ha diện tích hồ tiêu, tuy nhiên do thời gian qua giá hồ tiêu liên tục tăng nên người dân tăng nhanh diện tích hồ tiêu. Hiện diện tích tiêu trồng mới của huyện đã đạt hơn 87% diện tích theo quy hoạch đến năm 2020”, bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Cẩm Mỹ, chỉ trong 2 năm từ 2013 đến nay, diện tích hồ tiêu của huyện cũng đã tăng hơn 800 ha, đạt con số hơn 4.500 ha hồ tiêu.
“Đánh cược” với cây tiêu
Hiện giá thu mua tiêu khô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 200.000 đồng/kg, như vậy, với năng suất trung bình 1ha tiêu hiện cho thu khoảng 6 tấn tiêu khô. Mỗi vụ thu hoạch tiêu người nông dân có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ha, trừ đi các chi phí, lợi nhuận mang lại từ cây hồ tiêu đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Cây hồ tiêu đã làm thay đổi cuộc sống của người dân, nhiều hộ từ đói nghèo đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt cây hồ tiêu như hiện nay cũng làm gây ra không ít lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững của cây hồ tiêu. Đặc biệt, cây hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc.
Cây hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc
Cây hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc
Ngoài ra, thời gian cho thu hoạch cũng khá dài, mất khoảng 3 năm trồng thì cây hồ tiêu mới cho thu hoạch. Hiện theo tính toán của người dân, mỗi ha tiêu trồng mới chỉ riêng cho phí mua cây nọc, giống cũng đã mất gần 30 triệu đồng, cộng với đó là chi phí về nhân công, phân bón. Ngoài ra, mỗi năm chi phí chăm sóc cho 1 ha tiêu cũng mất gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, có một thực tế là hiện nay, nguồn cung cấp giống chủ yếu là do người dân tự cung, tự cấp hoặc mua lại của người quen thông qua kinh nghiệm của bản thân. Chính điều này khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết, diện tích hồ tiêu tăng vừa qua trên địa bàn huyện vẫn tập trung ở các vũng quy hoạch phát triển hồ tiêu của huyện theo cơ cấu chuyển đổi cây trồng của huyện. Tuy nhiên, do diện tích tăng quá nhanh nên phòng nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi mở rộng diện tích. Đặc biệt, chỉ thực hiện chuyển đổi trên những vùng đất phù hợp với cây tiêu và chú ý khâu lựa chọn giống đảm bảo chất lượng.
“Để cây tiêu phát triển bền vững huyện Xuân Lộc cũng khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiêu sạch và an toàn nhằm mục đích phát triển bền vững và nâng cao giá trị”, bà Hiệp chia sẻ.


"Cổ tích" miền Tây: Tỷ phú Đông Dương nhờ hạt bơ sáp vứt đi

Mua bơ về ăn rồi quăng hột ra vườn, bất ngờ, cây bơ sáp lại bén duyên vùng sông nước ĐBSCL Ông chủ của nó nhờ đó đã trở thành tỷ phú không chỉ ở miền Tây mà còn nổi tiếng ở Campuchia, khi vừa lập một trang trại “khủng” ở đất chùa Tháp.

Thu hơn 2 tỷ đồng nhờ cây bơ sáp
Huỳnh Trần Quốc Phi (37 tuổi, ở ấp Phú Ninh, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) kể rằng, năm 2007, anh rất bất ngờ khi trong vườn nhà xuất hiện một cây bơ duy nhất, trái sai oằn cành. Trái nào trái nấy đều xanh mướt, căng to, da bóng láng.
Cây bơ này, trong một dịp rất tình cờ, gia đình anh mua trái về ăn rồi quăng hột ra vườn. Ai ngờ, cây bơ sáp lại bén duyên vùng sông nước.
Bắt đầu từ đây, anh quyết định nhân giống bằng cách ghép cành. Từ cây bơ mẹ, năm đầu tiên anh ghép chừng 100 cây bơ con. Trong số này, một nửa anh cho bà con trong xóm mỗi người một vài cây đem về trồng thử, còn một nửa anh đem trồng xen trong vườn sầu riêng.
Anh Huỳnh Trần Quốc Phi bên vườn bơ sai trái
Anh Huỳnh Trần Quốc Phi bên vườn bơ sai trái

Hai năm sau, cây bơ phát triển tốt và cho trái không khác gì giống bơ mẹ. Nghe tin anh Phi trồng được giống bơ sáp ngon, nhiều thương lái lùng đến tận nơi. Họ đặt mua toàn bộ trái trong vườn. Thời điểm đó, anh Phi bán 30.000 - 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi giá bơ ngoài thị trường. Riêng năng suất cây đầu dòng cho trái khoảng 400 - 500 kg/cây.
Theo đánh giá, đây là loại bơ có chất lượng ngon, độ béo cao, cơm dùng được 80% trong trái, hạt nhỏ... ''Trước đây, bơ chỉ trồng được một số vùng như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chứ ĐBSCL chưa thấy ai trồng bao giờ. Lúc phát hiện cây bơ sau vườn, tôi lấy làm lạ nên ghép cây trồng thử, ai ngờ cây bơ sáp cũng thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nóng ẩm ở đây. Từ đó cây bơ sáp gắn bó với tôi”, anh Phi nói.
Đến năm 2014, anh Phi rất vui khi được Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre - sau nhiều lần thẩm định - đã cấp cho anh chứng nhận cây đầu dòng giống bơ sáp da xanh HP. Khi đã thành công, anh Phi không chú tâm phát triển cây bơ cho trái nữa mà chủ yếu chuyển sang làm bơ giống. Từ 100 cây bơ sáp trong vườn, anh dành để lấy mắt, ghép thành cây con.
Hai năm trở lại đây, giống bơ này được nhiều người biết đến nên cây giống của anh bán rất đắt. Mỗi năm, anh xuất bán hàng trăm ngàn cây bơ giống, chủ yếu là giống bơ sáp da xanh HP .
Giống bơ sáp da xanh HP được đánh giá cao về chất lượng
Giống bơ sáp da xanh HP được đánh giá cao về chất lượng

Anh Phi cho biết, cây bơ giống của anh có mặt khắp miền Tây Nam Bộ, thậm chí cả Đông Nam Bộ và Tây Nguyên - thủ phủ của cây bơ. “Ở ngoài đó họ mua bơ giống của tôi vì họ không sản xuất được cây giống. Mặt khác, đây là giống bơ chất lượng cao nên người ta rất ưa chuộng và đặt hàng nhiều. Có khi cung không đủ cầu”, anh hóm hỉnh giải thích.
Cũng từ việc bán cây bơ giống, hàng năm anh Phi có nguồn thu nhập “khủng” hơn 2 tỷ đồng.
Sang Campuchia lập trang trại lớn
Nhận thấy cây bơ có tiềm năng kinh tế lớn, được thị trường ưa chuộng, mới đây anh Phi đã thuê 330 ha đất bên Campuchia để trồng bơ sáp.
Theo kế hoạch, anh sẽ đầu tư làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai từ tháng 7/2015, đến cuối mùa mưa năm nay sẽ hoàn thành trồng 130 ha, còn 200 ha ở giai đoạn 2 sẽ trồng vào năm 2016. Tổng vốn đầu tư vào đây là hơn 10 tỷ đồng.
Nói về dự án táo bạo này, anh Phi bộc bạch: ''Nhận thấy vùng đất đó có khả năng phát triển được cây bơ nên tôi đã mạnh dạn đầu tư. Nếu có hiệu quả tốt, trong tương lai tôi dự kiến sẽ phát triển một Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm cây ăn trái toàn phần ở Campuchia để quảng bá về giống bơ sáp và nhiều giống cây trồng khác”.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay anh đang gặp phải là khoản chi phí lớn để đầu tư hệ thống nước tưới hoàn chỉnh.
Nhiều năm qua, cũng có nhiều nông dân Việt Nam sang Campuchia thuê đất trồng lúa, mía, sắn mì, cao su,... Và anh Phi được xem là nông dân đầu tiên phát triển giống bơ sáp ở vùng đất mới đầy tiềm năng này.


Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

“Triệu phú” bò sữa xứ rau lập nghiệp từ hai bàn tay trắng

 Hành trang khởi nghiệp của ông chủ trẻ Nguyễn Văn Sơn (Lâm Đồng) là ý chí và nghị lực làm giàu là hai bàn tay trắng. Ấy vậy, mà giờ đây, anh đang sở hữu đàn bò sữa với số lượng hơn 30 con cho thu nhập tiền tỷ.

Sau vài ba lần hẹn, chúng tôi mới có dịp ghé trang trại bò sữa của ông chủ trẻ tại thôn 2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương). Nhìn đàn bò sữa hơn 30 con béo tròn, ít ai biết được đây là thành quả lao động miệt mài với hai bàn tay trắng, mà chủ nhân của trang trại này đã gây dựng suốt nhiều năm liền.
Anh Sơn kể, sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo ở Hà Tĩnh, do cuộc sống khó khăn, năm lên 10 tuổi, anh đã phải theo gia đình vào lập nghiệp ở xứ rau huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Sau khi học xong THPT, anh không chọn con đường bước vào giảng đường như bạn bè cùng trang lứa mà đã quyết định gắn bó với ruộng vườn để phụ giúp gia đình.
Ban đầu, do gia đình ít đất canh tác nên nhiều lúc anh còn phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống. Quanh năm lam lũ vất vả làm hết công việc này đến việc khác nhưng cuộc sống cũng không mấy khấm khá lên, sau nhiều đêm trăn trở, anh Sơn nghĩ phải tìm hướng đi mới, tự mình làm chủ mới mong thoát nghèo.
Nghĩ là làm, sau khi tích góp được ít vốn liếng cùng với sự giúp đỡ của gia đình, anh đã bỏ tiền đầu tư chăn nuôi heo. Lúc đầu, do ít vốn, anh chăn nuôi heo giống để nhân đàn. Nhờ chịu thương chịu khó, học hỏi tìm hiểu các kỹ thuật chăm sóc gia súc tốt, sau một thời gian đàn heo của gia đình anh Sơn sinh trưởng và phát triển tốt, anh đã xuất bán được lứa heo đầu tiên.
Cứ như vậy trong một thời gian dài, với cách làm “lấy ngắn nuôi dài”, đàn gia súc của gia đình anh Sơn ngày một tăng đàn nên kinh tế gia đình anh khấm khá lên.
Song, anh nhận thấy Đơn Dương không chỉ là xứ rau mà còn là “thủ phủ” của nghề chăn nuôi bò sữa ở Lâm Đồng. Nhờ bò sữa mà kinh tế của người dân Đơn Dương ngày một khởi sắc. Cộng với đó, năm 2012, khi bò sữa đang “lên ngôi” và phong trào nuôi bò sữa phát triển mạnh tại địa phương, anh đã quyết định chuyển sang đầu tư nuôi bò.
Lúc đó, giá bò sữa giống lên đến 50 - 70 triệu đồng/con nên Nguyễn Văn Sơn bán cả đàn heo mới mua được 1 con bò sữa. Để thực hiện ước mơ làm giàu và làm chủ bản thân, anh đã mạnh dạn vay ngân hàng hơn 200 triệu đồng để mua bò sữa giống về nuôi. Thế nhưng việc chuyển đổi vật nuôi, nhất là cách chăm sóc bò sữa không hề đơn giản.

Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò của anh Sơn cho sản lượng cao, mỗi năm thu về tiền tỷ
Nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn bò của anh Sơn cho sản lượng cao, mỗi năm thu về tiền tỷ
Một lần nữa anh Sơn lại lặn lội khắp nơi tìm hiểu các kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc con bò sữa. Tìm hiểu qua sách báo, mạng Internet… cộng với một chút kiến thức chăn nuôi nên anh đã quyết định sẽ gắn bó với nghiệp bò sữa.
Sau khi có số vốn trong tay anh bắt đầu xây dựng chuồng trại, tìm kiếm nguồn thức ăn phù hợp, trồng thêm cỏ để phục vụ cho đàn bò. Ban đầu, khi mới bắt đầu nuôi, anh chỉ có 3 con bò sữa. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật đàn bò phát triển tốt và cho sữa. Cùng với đó, với số vốn xoay vòng từ việc bán sữa, đến nay anh Sơn đã phát triển đàn bò sữa lên đến 31 con, trong đó có 18 con đang cho sữa.
Anh Sơn chia sẻ: “Lúc đầu mới nuôi, tôi cũng gặp không ít khó khăn, bởi bò sữa là loại động vật khá kén thức ăn, dần dần thì mọi việc dễ dàng hơn khi mình nắm bắt được các nhu cầu của chúng. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, nên đàn bò cho sản lượng sữa rất cao.
Hiện, với 18 con bò đang cho sữa, trung bình mỗi ngày đều thu được gần 400kg sữa, với giá sữa hiện tại mà tôi đang nhập cho công ty sữa là 12,5 ngàn đồng/kg (trước đây là 14,5 ngàn đồng). Vì vậy, mỗi tháng gia đình tôi có bỏ túi được gần 150 triệu đồng”.
Cũng theo anh Sơn, để chăn nuôi bền vững, mình phải tạo được sự liên kết và tìm được đầu ra ổn định. Nhờ vậy, trong thời qua khi giá sữa bị tụt giảm khiến nhiều hộ dân địa phương không bán được phải đổ bỏ, nhưng sản lượng sữa của đàn bò gia đình anh vẫn bán với giá ổn định. Anh lý giải, những hộ dân không bán được sữa là do chăn nuôi tự phát, không ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nên đầu ra khó khăn.
Hiện nay, trang trại bò sữa không những giúp anh Sơn từ hai bàn tay trắng trở thành “triệu phú bò sữa” mà còn tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương với thu nhập ổn định.
Ngoài nuôi bò sữa, Nguyễn Văn Sơn còn tích cực tham quan, học hỏi để đưa một số giống vật nuôi mới về nuôi thử nghiệm, với mong muốn nhân rộng cho các nhà nông trẻ khác tại địa phương. Anh đã từng tiên phong áp dụng mô hình nuôi dế, tắc kè, rắn… thử nghiệm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi mà Nguyễn Văn Sơn còn là một cán bộ Đoàn gương mẫu, luôn nhiệt tình trong các hoạt động phong trào để góp phần tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên, thanh niên. Anh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa… ở khu dân cư tại địa phương.
Bên cạnh đó, anh cũng không ngừng động viên, giúp đỡ các đoàn viên khác trong chi đoàn mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để vươn lên làm giàu chính đáng. Vừa sản là nhà nông xuất kinh tế giỏi, lại tích cực tham gia công tác Đoàn ở địa phương nên anh Sơn nhiều lần được tuyên dương, khen thưởng.
Bí thư Huyện Đoàn huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), anh Nguyễn Hồng Anh cho biết: “Nguyễn Văn Sơn là một thanh niên tiêu biểu tại địa phương. Với nỗ lực của mình, cậu ấy đã vươn lên làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm cho nhiêu thanh niên trong xã.
Không những sản xuất kinh tế giỏi, mà Sơn còn rất nhiệt tình tham gia công tác Đoàn tại địa phương. Tấm gương Bí thư Chi đoàn thôn 2, xã Đạ Ròn Nguyễn Văn Sơn xứng đáng để nhiều thanh niên nông thôn khác học tập”


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons