Chủ tịch UBND xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) - Vũ Duy Hân cho biết trong 2 tấn nhãn mẫu của tỉnh được xuất ngoại lần đầu, địa phương có khoảng 700kg. Tuy số lượng còn hạn chế, song đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho bà con nông dân, khuyến khích người trồng nâng cao chất lượng mặt hàng này.
Trước đó, xã Hồng Nam và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) được quy hoạch gần 20 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài ra, Hồng Nam có hơn 170 ha trồng loại cây này, cho sản lượng trung bình khoảng trên 2.000 tấn mỗi năm. Giá bán cũng dao động trong khoảng 30.000-60.000 đồng mỗi kg tùy thời điểm. Tuy nhiên, mức giá vẫn khá bấp bênh do canh tác phần lớn phụ thuộc thời tiết, mùa vụ...
Đến nay, nông dân địa phương đã thu hoạch khoảng 50% sản lượng, nhưng mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp cam kết bao tiêu. Đơn vị này cũng vừa cùng lãnh đạo địa phương lựa chọn xong danh sách nhà vườn có sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn xuất khẩu.
Diện thu mua nhãn xuất khẩu tại Hưng Yên hiện còn khá khiêm tốn. Ảnh: T.T
|
Là một trong 33 hộ thuộc danh sách nêu trên, bà Trần Thị Bắc- Trưởng thôn Nễ Châu (Hồng Nam) cho biết lâu nay, nông dân luôn canh tác theo kinh nghiệm, chưa quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi sử dụng quy trình kỹ thuật mới, người trồng sẽ tốn kém về tiền đầu tư, công chăm sóc... khiến không ít gia đình do dự.
"Nay nhãn sắp được xuất ngoại, dù sản lượng còn ít, nhưng bà con nông dân khá hào hứng. Chắc chắn, năm sau nhiều hộ trồng sẽ tham gia kỹ thuật VietGap", bà nói.
Theo bà Bắc, tuy nhãn của địa phương quả nhỏ, chưa đạt chuẩn 80 quả một kg, nhưng bù lại độ ngọt, thơm lại được đánh giá cao. Tuy nhiên, bà cho rằng việc đưa quả nhãn vào TP HCM chiếu xạ sẽ khiến giá thành cao hơn, sản lượng tiêu thụ có phần hạn chế. Do đó, khi nhà máy chiếu xạ tại miền Bắc đi vào sử dụng năm sau, bà kỳ vọng nhãn Hưng Yên có thể xuất sang nhiều quốc gia khác.
Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch Hội nông dân xã Hàm Tử (Khoái Châu) cho biết thị trường tiêu thụ chính của nhãn địa phương và các vùng nhãn lồng Hưng Yên hiện chủ yếu là nội địa. Các thương lái đến tận vườn thu mua, số rất ít bán đi Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Do thời tiết, sản lượng vải năm nay giảm, giá bán hiện nay chỉ dao động 25.000-60.000 đồng mỗi kg, tương đương với năm ngoái.
Về mức giá thu mua, theo vị này, hiện lãnh đạo địa phương đang bàn bạc thống nhất với doanh nghiệp xuất khẩu. Song, là đơn hàng mẫu, lần đầu tiên xuất sang để chào thị trường nên đợi kết quả thành công, địa phương mới làm chương trình giá cụ thể cho hộ trồng.
Trong khi đó, lãnh đạo xã Hồng Nam cho biết dù vẫn trong giai đoạn thỏa thuận với doanh nghiệp về giá thu mua, song thành phố đã cam kết sẽ hỗ trợ 1-2 giá cho bà con trong trường hợp doanh nghiệp không mua cao hơn giá thị trường.
Toàn tỉnh Hưng Yên có hơn 3.000 ha nhãn, cho sản lượng từ 35.000- 40.000 tấn, với 3 trà: nhãn chín sớm bắt đầu thu hoạch nửa cuối tháng 7, chính vụ từ nửa đầu tháng 8 và chín muộn cho thu hoạch từ 30/8 đến 20/9.
Nhãn được trồng nhiều, tập trung ở Khoái Châu, TP Hưng Yên và Kim Động, với các giống như: nhãn lồng, nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn cùi... Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường nội địa dưới dạng quả tươi, một phần được chế biến thành long nhãn để xuất khẩu sang Trung Quốc.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét