Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Nhà máy cồn đóng cửa, người trồng sắn lao đao

Khi các máy cồn Ethanol đi vào hoạt động, hàng chục nghìn hộ nông dân trồng sắn ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vô cùng sung sướng. Với họ đây là cơ hội không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn để vươn lên giàu có. Thế nhưng niềm vui ấy “ngắn chẳng tày gan” khi hàng loạt các nhà máy nhà máy cồn Ethanol liên tiếp đóng cửa.
Đua nhau trồng sắn
Những ngày tháng 4 này, chúng tôi trở lại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh gặp ông Nguyễn Đại Nam là một trong những hộ từng trồng sắn rất nhiều, ông Nam tâm sự trong chát đắng: “Việc ra đời Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân thì không riêng gì tôi mà bà con các nơi đều lấy làm vui mừng. Thế là đua nhau trồng sắn. Tôi trồng cả mấy ha, những năm đầu có mấy bán mấy lại được giá. Thế rồi đùng cái nhà máy đóng cửa, sắn ế, đầu ra chỉ biết dựa vào các nhà máy tinh bột sắn. Thế là sắn thừa, rớt giá, bị tư thương ép. Niềm vui dựa vào cây sắn thế là thất bại hoàn toàn. Đau lắm chú à!”
Không chỉ người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi mà người dân ở cả khu vực miền Trung đã đua nhau trồng sắn. Những năm 2010 đi về các địa phương, nhất là vùng núi ở miền Trung như tại huyện Sơn Tịnh, Ba Tơ, Trà Bồng,… tỉnh Quảng Ngãi, hay các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước,… Quảng Nam, chúng ta sẽ thấy bát ngát cơ man nào là sắn.  Sắn được trồng từ vùng biển đến vùng núi cao. Sắn trồng từ trong vườn cho đến các núi đồi. Nhà nhà, người người đua nhau trồng sắn.
Bởi không chỉ có các nhà máy sả xuất cồn Ethanol mà tại các địa phương này còn có các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Theo số liệu của ngành nông nghiệp địa phương lúc cao điểm diện tích sắn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên lên đến 181.000 ha, riêng Quảng Nam có lúc sắn lên đến trên 14.000 ha, còn ở Quảng Ngãi đến 18.000 ha.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Thuận cho rằng, trồng sắn chỉ có nước lỗ trở lên.
Lao đao vì cây sắn
Những ngày qua, phóng viên Đại Đoàn Kết đã đi về các vùng người dân trồng sắn tìm hiểu về vấn đề này mới biết, việc trồng cây sắn có lắm nỗi niềm.
Tại vùng quê Núi Thành, nông dân Cao Văn Đông (63 tuổi) ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, cho biết: “Mấy năm trước, tôi trồng gần 10 sào sắn, cả gia đình 4 mạng người, ngoài ruộng lúa chỉ trông chờ vào sắn cho trăm thứ chi tiêu, nhưng giờ không thiết tha gì nữa, do thời gian thu hoạch sắn lâu, bán giá quá thấp và chiếm đất nhiều, mất thời gian chăm bón. Đáng nói, khi thu hoạch sắn luôn bị tư thương ép giá, giờ đến các nhà máy cồn đóng cửa thì niềm tin vào sắn đã không còn”.
Còn chị Huỳnh Thị Mỹ Thuận (50 tuổi), hàng xóm ông Đông cho hay: “Với giá sắn đi xuống như những năm qua có lúc 500 đồng/kg thì nhiều hộ trồng sắn sau khi trừ chi phí phân bón, thuê nhân công, tiền vận chuyển là lỗ nặng. Bây giờ chúng tôi làm đủ thứ để sinh sống ngoài làm ruộng chúng tôi còn làm phụ hồ, chuyển qua trồng cây keo. Rất vất vả mấy chú à!”.
Hết bão lũ quật đổ ngã, đến nhà máy cồn đóng cửa
người trồng sắn lâm cảnh lao đao.
Cách Núi Thành gần 100 km, hộ ông Nguyễn Văn Hiên (59 tuổi) ở xã Quế Minh, Quế Sơn cho biết: “Trồng sắn cực khổ trăm bề, có năm gia đình tôi trồng đến 3 sào. Mưa bão ập xuống gần nửa diện tích ngập trong nước bị thối vì ngập úng. Nữa còn lại thu hoạch bán chẳng ai mua. Hoặc mua với giá bèo cũng coi như trắng tay! Đã rứa giờ nhà máy đóng cửa còn trồng chờ gì vào cây sắn”
Ông Nguyễn Đại Nam cho rằng: “Nhiều người thấy các nhà máy xây dựng lên hoành tráng, cứ nghĩ dựa vào sắn sẽ giải quyết được cơm áo, gạo tiền để lo cho gia đình, lo cho con cái ăn học, thậm chí để làm giàu, nên đua nhau trồng sắn. Có lúc sắn được giá lên đến trên 2.000 đồng/kg thu mỗi gia đình hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có gia đình thu cả trăm triệu đồng vui lắm. Nhưng có lúc sắn rớt xuống 500 đồng/kg như hiện nay, thậm chí bán không ai mua mới thấy đắng lòng. Bây chừ các nhà máy cồn đóng cửa, niềm tin vào sắn đã biến thành nỗi đau”. Tâm sự của ông Nam, ông Hiền, ông Đông, bà Thuận cũng là tâm sự của nhiều người trồng sắn, bởi họ có cùng cảnh ngộ.
Ông Nguyễn Tấn Diều, Phó ban Nông nghiệp xã Tam Xuân 1 cho biết: “Hiện tại, địa phương chỉ có 70 ha trồng sắn chủ yếu làm thức ăn cho gia súc”.
Không chỉ người dân mà các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng phải kêu trời. Bởi vì sắn tấp nập đổ về, trong khi công suất tiêu thụ thì có hạn. Như tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và xã Sơn Hà, Quảng Ngãi, rất nhiều thời điểm phóng viên Đại Đoàn Kết đã chúng kiến những đoàn xe sắn nối đuôi nhau chờ đến lượt mình được cân sắn để bán cho Nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải.
Người dân dựng lều “bám trụ” đòi nợ tiền sắn.
Nhiều chiếc xe trọng tải hơn chục tấn đến đây phải chờ vài ngày mới đến lượt mình được phát phiếu nhập sắn. Thậm chí có xe phải chờ cả tuần. Một thương lái cho biết: “Xe tôi chờ đã 3 ngày rồi mà chẳng lấy được phiếu, nếu chờ nữa nó hư thối hết chỉ có nước khổ trở lên”. Nguyên nhân theo ông Đồng Văn Lập – Giám đốc Nhà máy mì Sơn Hải: “Nhà máy chỉ có thể tiêu thụ 400 tấn/ngày, trong khi mỗi ngày người dân chở tới bán hàng ngàn tấn nên ứ đọng là điều không thể tránh khỏi”.
Nỗi đau lớn nữa, đó là khi bán được sắn cũng không lấy được tiền. Như Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân có lúc nợ tiền mua sắn người dân lên đến cả trăm tỉ đồng. Người dân phải kêu cứu khắp nơi, dựng lều “bám trụ” đòi nợ. Nói như ông Lê Văn Cường, ở xã Đại Tân, người đại diện cho 198 người ở địa phương đi đòi nợ: “Trồng cây sắn đã khổ sở trăm bề nay bán cho nhà máy thì họ chưa chịu trả tiền, còn nỗi đau nào hơn”.
Quả thật trồng sắn, người nông dân đã gánh lấy quá nhiều nỗi cay đắng. Hết bão lũ quật đổ ngã, rồi được mùa thì mất giá, cho đến gần đây hàng loạt nhà máy sản xuất cồn Ethanol đóng cửa dẫn đến sắn quá tải, đầu ra bấp bênh, nông dân bán cho tư thương bị ép giá. Thậm chí bán không ai mua, hay mua rồi không lấy được tiền. Người nông dân thì dầm mưa, dãi nắng, bỏ vốn luyến vào cây sắn và trăm thứ trông chờ vào đó thì cây sắn lại trở thành nỗi đắng cay với họ. Giải bài toán này không hề đơn giản chút nào.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Làm trang trại nông nghiệp sẽ được hỗ trợ 2 tỉ đồng


Người dân đầu tư xây dựng các trang trại nông nghiệp sẽ được nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng và mức hỗ trợ này cao nhất là 2 tỉ đồng bên cạnh một số hỗ trợ khác, theo dự thảo một nghị định mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đang lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành.

Lứa me thứ 2 ở trang trại bò Úc Tân Kỳ. Ảnh P.V
Lứa me thứ 2 ở trang trại bò Úc Tân Kỳ. Ảnh P.V
Ngày 5-4, Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với một số ban ngành để nghe báo cáo về dự thảo Nghị định/quyết định chính sách trang trại trước khi hoàn chỉnh những khâu cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.
Theo dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại đang được Bộ NN&PTNT đưa ra lấy ý kiến, Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính cho các chủ trang trại. Cụ thể, chủ trang trại được cho thuê đất ổn định lâu dài, được hỗ trợ một lần theo dự án 50% chi phí làm đường và xây dựng hệ thống điện với mức hỗ trợ lên đến 2 tỉ đồng/trang trại.
Bên cạnh đó, chủ trang trại còn được hỗ trợ 50% phí thuê cán bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật sản xuất tương đương 100 triệu đồng/trang trại trong hai năm đầu, hỗ trợ 100% phí chứng nhận VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), 50% phí tham dự các hội chợ...
Đối với các trang trại thủy sản, ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần bằng 30% phí xây dựng các hạng mục công trình xử lý nước thải, ao lắng, tương đương 300 triệu đồng. Còn đối với những trang trại thủy sản nuôi trồng trên biển sẽ được hỗ trợ 50% phí lồng bè.
Theo Bộ NN&PTNT, lý do để có những hỗ trợ này là hiện nay, đa phần các chủ trang trại là nông dân, không được đào tạo chuyên môn về quản lý, kỹ thuật nên khả năng quản lý sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ nông sản còn hạn chế. Vì thế, với các trang trại lớn, giá trị sản xuất hàng hóa trung bình chỉ vào khoảng 2 tỉ đồng/héc ta, tập trung vào loại hình chăn nuôi, thủy sản, còn lại các loại hình trang trại khác như trồng trọt, lâm nghiệp, kinh doanh tổng hợp có giá trị sản xuất thấp…
Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, hiện cả nước có 29.500 trang trại, trong đó, trang trại trồng trọt chiếm 29%, chăn nuôi chiếm 32%, thủy sản chiếm gần 18%, còn lại là các mô hình trang trại khác như lâm nghiệp, tổng hợp. Tập trung số lượng trang trại nhiều nhất là khu vực các tỉnh ĐBSCL khi chiếm 30%, chủ yếu sản xuất thủy sản và trái cây, Đông Nam bộ với 6.115 trang trại, tương đương 21% trong đó phần lớn là chăn nuôi.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh có tổng đàn heo lớn nhất cả nước với 1,5 triệu con (năm 2015), thì gần 69% nguồn thịt heo cung cấp cho thị trường là từ các trang trại. Hiện Đồng Nai có 2.200 trang trại chăn nuôi heo.
Tuy nhiên, vẫn có một số trang trại nuôi heo ở trong khu dân cư và để đảm bảo vấn đề môi trường, theo quy định hiện nay, những trang trại này phải chuyển đến khu vực xa dân cư nhưng các trang trại chưa thể chuyển đi do viện cớ chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, điện, đường khá tốn kém. Vì thế, việc Chính phủ có chương trình hỗ trợ này sẽ giúp Đồng Nai di chuyển được các trang trại nói trên đến nơi xa dân cư thuận lợi hơn.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

Chất lượng tôm giống kém: Dân chịu phận 'chỉ mành treo chuông'


“Treo” ao vì nợ nần
Đã bước vào niên vụ mới được vài tuần, nhưng nhiều hộ nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải “treo” ao do thua lỗ, dịch bệnh và giá thành nuôi cao “hớt” hết lợi nhuận.
Chất lượng tôm giống kém nên tỷ lệ chết cao trong quá trình sinh trưởng
Chất lượng tôm giống kém nên tỷ lệ chết cao trong quá trình sinh trưởng
Ông Lê Văn Phúc, ngụ tại cù lao Đất, xã An Hiệp (huyện huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết, năm ngoái gia đình ông thả 3 ao tôm, diện tích hơn 5.000 m2, nhưng do tôm giống sức đề kháng yếu, phần chết sớm, phần chậm lớn nên lỗ hơn 100 triệu đồng. Gia đình ông Phúc vẫn được coi là may vì lỗ không nhiều, “năm ngoái, tỷ lệ người dân nuôi tôm thành công ít, đa phần là thất bại. Số hộ dân thua lỗ vài trăm triệu đồng nhiều lắm, cá biệt có hộ lỗ gần 700 triệu đồng. Nhiều người dân phải vay tín dụng đen nặng lãi để trả ngân hàng”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, một phần nguyên nhân do môi trường nuôi tôm ngày càng ô nhiễm, nhưng lý do chính vẫn do chất lượng tôm giống kém chất lượng.
Ông Bảy Biển, một hộ dân nuôi tôm kỳ cựu tại ấp Thốt Lốt, xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) bức xúc: Các công ty sản xuất, kinh doanh tôm giống thiếu lương tâm, đạo đức nghề nghiệp. Chính vì họ cung cấp giống tôm kém chất lượng mà nông dân thua lỗ. Nếu sau khi thả vài ngày mà tôm chết ngay thì chỉ lỗ chút đỉnh tiền giống, nhưng rất nhiều trường hợp dân nuôi 2 - 3 tháng nhưng tôm chậm lớn, bệnh tật và chết, gây thiệt hại rất lớn.
Dân nuôi tôm như ngồi trên đống lửa, các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng cũng ngao ngán vì không bán được hàng cho người nuôi tôm. Ông Nguyễn Văn Phương, một đại lý bán tôm giống và thức ăn chăn nuôi tại xã An Hòa Tây (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) than thở, sau một năm nuôi tôm thất bại, năm nay nông dân không dám nuôi nữa vì không còn tiền đầu tư, khiến cho đại lý bán giống không được. “Nếu năm trước, mỗi tháng đại lý tôi bán 5 triệu con tôm giống, năm nay bán không nổi 1 triệu con. Hơn 20 đại lý tôm giống tại huyện Ba Tri này cũng trong tình cảnh tương tự”, ông Phương cho biết.
Tính trung bình mỗi ao nuôi tôm lỗ 50 - 70 triệu đồng/vụ. Hiện giờ dân nuôi tôm nợ ngân hàng nhiều, khiến ngân hàng không duyệt cho vay nuôi tôm vì rủi ro cao. Hệ lụy là người dân rơi vào vòng luẩn quẩn không còn nguồn lực tái đầu tư và gánh cục nợ lãi mẹ đẻ lãi con.
Mạnh tay kiểm soát tôm giống
Tình trạng chất lượng tôm giống “vàng thau lẫn lộn” không chỉ là nỗi bức xúc của người dân nuôi tôm, mà còn là bức xúc của các doanh nghiệp sản xuất tôm giống làm ăn chân chính.
Tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã bày tỏ lo ngại về công tác quản lý chất lượng mặt hàng này. Lãnh đạo Hiệp hội cho biết, để bảo vệ chất lượng, thương hiệu tôm giống, các doanh nghiệp đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động sản xuất và thương mại để kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng nhiễu nhương hiện nay.
Theo một chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, thì khâu sản xuất tôm giống phải phát triển theo hướng công nghệ cao, hiệu quả và bền vững. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp chặn đứng tình trạng các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tôm giống được đẻ ra từ tôm bố mẹ không có nguồn gốc xuất xứ đang diễn ra phổ biến. Tình trạng tôm giống giả, kém chất lượng, cũng như tình trạng gia hoá chọn tạo tôm bố mẹ chưa được giám sát chặt chẽ, đúng với điều kiện sinh học cho phép.
Các doanh nghiệp cũng đề xuất, cần giải quyết cấp bách 3 vấn đề để cứu ngành tôm. Một là, nhận dạng thương hiệu. Theo đó, mỗi cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tôm giống chỉ được đăng ký một thương hiệu. Bởi đang tồn tại tình trạng một cơ sở sản xuất đăng ký nhiều thương hiệu và có hiện tượng một doanh nghiệp hôm nay dán thương hiệu này bán cho bà con, ngày mai lại dán thương hiệu khác để bán. Điều đáng nói các đơn vị đó không có trại sản xuất, mà chỉ đi thu gom tôm giống rồi bán, nên chất lượng khó kiểm soát.
Hai là, quản lý tôm bố mẹ. Cơ quan quản lý nhà nước cần quy định bắt buộc các doanh nghiệp công bố số lượng định kỳ. Theo đó, công khai minh bạch số lượng, nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu và tôm bố mẹ nội địa, để người dân nuôi tôm dễ dàng lựa chọn tôm giống có nguồn gốc phù hợp.
Ba là, cơ sở sản xuất phải công bố chất lượng và nhãn mác bao bì đầy đủ thông tin như tên công ty, cơ sở sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, nguồn gốc tôm bố mẹ nhập khẩu hoặc tôm gia hóa.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   
 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons