Khi các máy cồn Ethanol đi vào hoạt động, hàng chục nghìn hộ nông dân trồng sắn ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên vô cùng sung sướng. Với họ đây là cơ hội không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn để vươn lên giàu có. Thế nhưng niềm vui ấy “ngắn chẳng tày gan” khi hàng loạt các nhà máy nhà máy cồn Ethanol liên tiếp đóng cửa.
Đua nhau trồng sắn
Những ngày tháng 4 này, chúng tôi trở lại xã Tam Đại, huyện Phú Ninh gặp ông Nguyễn Đại Nam là một trong những hộ từng trồng sắn rất nhiều, ông Nam tâm sự trong chát đắng: “Việc ra đời Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân thì không riêng gì tôi mà bà con các nơi đều lấy làm vui mừng. Thế là đua nhau trồng sắn. Tôi trồng cả mấy ha, những năm đầu có mấy bán mấy lại được giá. Thế rồi đùng cái nhà máy đóng cửa, sắn ế, đầu ra chỉ biết dựa vào các nhà máy tinh bột sắn. Thế là sắn thừa, rớt giá, bị tư thương ép. Niềm vui dựa vào cây sắn thế là thất bại hoàn toàn. Đau lắm chú à!”
Không chỉ người dân Quảng Nam, Quảng Ngãi mà người dân ở cả khu vực miền Trung đã đua nhau trồng sắn. Những năm 2010 đi về các địa phương, nhất là vùng núi ở miền Trung như tại huyện Sơn Tịnh, Ba Tơ, Trà Bồng,… tỉnh Quảng Ngãi, hay các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh, Tiên Phước,… Quảng Nam, chúng ta sẽ thấy bát ngát cơ man nào là sắn. Sắn được trồng từ vùng biển đến vùng núi cao. Sắn trồng từ trong vườn cho đến các núi đồi. Nhà nhà, người người đua nhau trồng sắn.
Bởi không chỉ có các nhà máy sả xuất cồn Ethanol mà tại các địa phương này còn có các nhà máy chế biến tinh bột sắn. Theo số liệu của ngành nông nghiệp địa phương lúc cao điểm diện tích sắn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên lên đến 181.000 ha, riêng Quảng Nam có lúc sắn lên đến trên 14.000 ha, còn ở Quảng Ngãi đến 18.000 ha.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Thuận cho rằng, trồng sắn chỉ có nước lỗ trở lên.
Lao đao vì cây sắn
Những ngày qua, phóng viên Đại Đoàn Kết đã đi về các vùng người dân trồng sắn tìm hiểu về vấn đề này mới biết, việc trồng cây sắn có lắm nỗi niềm.
Tại vùng quê Núi Thành, nông dân Cao Văn Đông (63 tuổi) ở thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, cho biết: “Mấy năm trước, tôi trồng gần 10 sào sắn, cả gia đình 4 mạng người, ngoài ruộng lúa chỉ trông chờ vào sắn cho trăm thứ chi tiêu, nhưng giờ không thiết tha gì nữa, do thời gian thu hoạch sắn lâu, bán giá quá thấp và chiếm đất nhiều, mất thời gian chăm bón. Đáng nói, khi thu hoạch sắn luôn bị tư thương ép giá, giờ đến các nhà máy cồn đóng cửa thì niềm tin vào sắn đã không còn”.
Còn chị Huỳnh Thị Mỹ Thuận (50 tuổi), hàng xóm ông Đông cho hay: “Với giá sắn đi xuống như những năm qua có lúc 500 đồng/kg thì nhiều hộ trồng sắn sau khi trừ chi phí phân bón, thuê nhân công, tiền vận chuyển là lỗ nặng. Bây giờ chúng tôi làm đủ thứ để sinh sống ngoài làm ruộng chúng tôi còn làm phụ hồ, chuyển qua trồng cây keo. Rất vất vả mấy chú à!”.
Hết bão lũ quật đổ ngã, đến nhà máy cồn đóng cửa
người trồng sắn lâm cảnh lao đao.
người trồng sắn lâm cảnh lao đao.
Cách Núi Thành gần 100 km, hộ ông Nguyễn Văn Hiên (59 tuổi) ở xã Quế Minh, Quế Sơn cho biết: “Trồng sắn cực khổ trăm bề, có năm gia đình tôi trồng đến 3 sào. Mưa bão ập xuống gần nửa diện tích ngập trong nước bị thối vì ngập úng. Nữa còn lại thu hoạch bán chẳng ai mua. Hoặc mua với giá bèo cũng coi như trắng tay! Đã rứa giờ nhà máy đóng cửa còn trồng chờ gì vào cây sắn”
Ông Nguyễn Đại Nam cho rằng: “Nhiều người thấy các nhà máy xây dựng lên hoành tráng, cứ nghĩ dựa vào sắn sẽ giải quyết được cơm áo, gạo tiền để lo cho gia đình, lo cho con cái ăn học, thậm chí để làm giàu, nên đua nhau trồng sắn. Có lúc sắn được giá lên đến trên 2.000 đồng/kg thu mỗi gia đình hàng chục triệu đồng/năm, thậm chí có gia đình thu cả trăm triệu đồng vui lắm. Nhưng có lúc sắn rớt xuống 500 đồng/kg như hiện nay, thậm chí bán không ai mua mới thấy đắng lòng. Bây chừ các nhà máy cồn đóng cửa, niềm tin vào sắn đã biến thành nỗi đau”. Tâm sự của ông Nam, ông Hiền, ông Đông, bà Thuận cũng là tâm sự của nhiều người trồng sắn, bởi họ có cùng cảnh ngộ.
Ông Nguyễn Tấn Diều, Phó ban Nông nghiệp xã Tam Xuân 1 cho biết: “Hiện tại, địa phương chỉ có 70 ha trồng sắn chủ yếu làm thức ăn cho gia súc”.
Không chỉ người dân mà các nhà máy tinh bột sắn trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng phải kêu trời. Bởi vì sắn tấp nập đổ về, trong khi công suất tiêu thụ thì có hạn. Như tại xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh và xã Sơn Hà, Quảng Ngãi, rất nhiều thời điểm phóng viên Đại Đoàn Kết đã chúng kiến những đoàn xe sắn nối đuôi nhau chờ đến lượt mình được cân sắn để bán cho Nhà máy mì Tịnh Phong và Sơn Hải.
Người dân dựng lều “bám trụ” đòi nợ tiền sắn.
Nhiều chiếc xe trọng tải hơn chục tấn đến đây phải chờ vài ngày mới đến lượt mình được phát phiếu nhập sắn. Thậm chí có xe phải chờ cả tuần. Một thương lái cho biết: “Xe tôi chờ đã 3 ngày rồi mà chẳng lấy được phiếu, nếu chờ nữa nó hư thối hết chỉ có nước khổ trở lên”. Nguyên nhân theo ông Đồng Văn Lập – Giám đốc Nhà máy mì Sơn Hải: “Nhà máy chỉ có thể tiêu thụ 400 tấn/ngày, trong khi mỗi ngày người dân chở tới bán hàng ngàn tấn nên ứ đọng là điều không thể tránh khỏi”.
Nỗi đau lớn nữa, đó là khi bán được sắn cũng không lấy được tiền. Như Nhà máy cồn Ethanol Đại Tân có lúc nợ tiền mua sắn người dân lên đến cả trăm tỉ đồng. Người dân phải kêu cứu khắp nơi, dựng lều “bám trụ” đòi nợ. Nói như ông Lê Văn Cường, ở xã Đại Tân, người đại diện cho 198 người ở địa phương đi đòi nợ: “Trồng cây sắn đã khổ sở trăm bề nay bán cho nhà máy thì họ chưa chịu trả tiền, còn nỗi đau nào hơn”.
Quả thật trồng sắn, người nông dân đã gánh lấy quá nhiều nỗi cay đắng. Hết bão lũ quật đổ ngã, rồi được mùa thì mất giá, cho đến gần đây hàng loạt nhà máy sản xuất cồn Ethanol đóng cửa dẫn đến sắn quá tải, đầu ra bấp bênh, nông dân bán cho tư thương bị ép giá. Thậm chí bán không ai mua, hay mua rồi không lấy được tiền. Người nông dân thì dầm mưa, dãi nắng, bỏ vốn luyến vào cây sắn và trăm thứ trông chờ vào đó thì cây sắn lại trở thành nỗi đắng cay với họ. Giải bài toán này không hề đơn giản chút nào.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét