Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Gia nhập TPP: Nông nghiệp Việt giảm áp lực phụ thuộc thị trường truyền thống

 “Nếu Việt Nam gia nhập TPP, ngành nông nghiệp sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển toàn diện. Đồng thời, chúng ta cũng được hưởng nhiều lợi thế khi hợp tác với những ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Ngày 28/10, tại TPHCM đã diễn ra Hội Thảo “Tác động của TPP đối với nông nghiệp và lao động Việt Nam”. Đây được xem là cơ hội để các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà chính sách có cái nhìn tổng thể hơn về cơ hội và thách thức của nông nghiệp và lao động trước thềm Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi gia nhập TPP
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi gia nhập TPP
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu được giảm thuế về 0%, hoặc còn duy trì ở mức thấp và có lộ trình giảm. Do đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại, nhưng lại không phải là thành viên của TPP, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như: thủy sản, đồ gỗ, cao su, điều, tiêu…
Đây sẽ là cơ hội tốt để Vệt Nam mở rộng thị trường nông nghiệp đến các quốc gia tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng không ổn định. Bên cạnh đó, trong thị trường rộng lớn TPP, Việt Nam còn có thể điều chỉnh linh hoạt, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, hạn chế tình trạng được mùa mất giá”.
Ông Hà Công Tuấn nhìn nhận, khi gia nhập TPP Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức vì nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, xuất khẩu nông sản thô. Việc tham gia TPP không chỉ mang đến cơ hội giảm thuế quan cho riêng Việt Nam mà tất cả các đối tác. Điều này sẽ dẫn đến luồng hàng nhập khẩu nông sản hàng hóa từ các nước TPP vào nước ta sẽ tăng cao, tạo áp lực lớn cho sản xuất trong nước. Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong TPP sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam”.
Không chỉ khó khăn về việc cạnh tranh sản phẩm, nguồn lao động hiện nay của Việt Nam cũng gặp phải những rào cản to lớn khi gia nhập TPP. Hầu hết trình độ nguồn nhân lực hiện nay của nước ta còn kém, khả năng đáp ứng chuẩn mực về lao động theo Tổ chức Lao động quốc tế chưa cao. Do đó, để gia nhập TPP thì lao động Việt Nam cũng cần phải được cải thiện. Trình độ, kỹ năng người lao động cũng sẽ được cải thiện tốt hơn trong môi trường cạnh tranh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất khi TPP có tác động thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, cũng cần bám sát các tiêu chuẩn, quy định về Lao động trong TPP để có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cần sớm công bố rộng rãi những kiến thức cơ bản và các quy định của TPP cho người dân cũng như doanh nghiệp trong nước, nhất là tuyên truyền sâu, rộng những thách thức, thuận lợi, lộ trình giảm thuế, mở cửa của thị trường. Đặc biệt tập trung cao độ thực hiện chương trình tái cơ cấu nâng cao hiệu quả nông nghiệp, nâng năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản.

Bỏ lương cao về quê, thành tỷ phú cá giòn ở tuổi 27

Từ bỏ công việc ổn định với mức lương cao để về quê nuôi cá, sau 4 năm, chàng trai Nguyễn Thế Phước, sinh năm 1989 ( Hải Dương) đã có thu nhập 6 - 7 tỷ đồng/năm.

“Lá bùa” giúp anh lên như “diều gặp gió” chính là kỹ nghệ nuôi cá trắm, chép thường thành trắm, chép giòn.
Bỏ phố về quê nuôi cá
Trò chuyện với chúng tôi, Phước cho biết, sau khi tốt nghiệp hệ cao đẳng khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội), anh làm nghề lắp đặt hệ thống âm thanh cho các quán karaoke, phòng trà, khách sạn cho các công ty điện tử. Sau một thời gian bươn chải, anh được cân nhắc lên vị trí Trưởng phòng kinh doanh, với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Mặc dù thu nhập cao, nhưng Phước vẫn quyết định xin nghỉ. “Đó là mức lương hấp dẫn mà nhiều bạn trẻ cùng trang lứa mơ ước, song tôi nghĩ, dù lương cao nhưng mình vẫn là người phụ thuộc, là kẻ làm thuê. 
Chi bằng mình tự làm cho mình, vừa không phù thuộc vào ai, vừa là dịp để thử sức. Làm giàu ở đâu cũng có ý nghĩa như nhau, nhưng không có gì tốt hơn là làm giàu trên chính quê hương mình” - Phước tâm sự.
bo luong cao ve que, thanh ty phu ca gion o tuoi 27 hinh anh 1Tỷ phú trẻ Nguyễn Thế Phước vui vẻ bên hệ thống lồng bè, thành quả mà mình đã dày công có được
Vậy là năm 2012, Phước khăn gói về quê, mặc cho bạn bè “sốc”, rồi gia đình họ hàng ra sức khuyên ngăn. Chia sẻ về quyết định táo bạo đó, Phước cho biết, những năm 2010 - 2012, ở Nam Sách phong trào nuôi cá lồng bè trên sông rất phát triển. 
Nếu trước đây, các hộ chủ yếu nuôi bằng lồng tre nhỏ, thì nay đã được cải tiến bằng lồng khung kẽm, phủ lưới xung quanh, có thể làm được lồng to nên năng suất nuôi cá rất cao. 
Hơn nữa, nuôi cá trên sông thuận lợi hơn nhiều so với nuôi cá ao bởi nguồn nước thông suốt, ít bị ô nhiễm, cá lớn nhanh, chất lượng thịt ngon nên giá bán cũng cao hơn. “Nhận thấy đây chính là cơ hội tốt nên tôi đã bỏ công việc ở thành phố về quê làm ăn” - Phước kể.
Lúc đầu, Phước được bố giao cho tiếp quản 2 lồng bè cá diêu hồng, nuôi ké hàng xóm. Được giao cho nuôi Phước vui lắm nên chăm sóc đàn cá rất cẩn thận. Sau 8 tháng chăm sóc, đàn cá cũng được xuất bán, Phước thu lãi gần 200 triệu đồng. Cầm trên tay số tiền lớn lần đầu kiếm được, Phước bắt đầu nảy ra những ý tưởng làm ăn lớn.
Cuối năm 2012, ngoài số tiền lãi, Phước vay thêm người thân, ngân hàng để đầu tư 20 lồng bè, trung bình mỗi lồng 30 triệu đồng/36m2, anh thả tổng cộng 10 tấn cá diêu hồng giống. Niềm vui chưa đến thì bỗng đàn cá thi nhau chết nổi lềnh bềnh, trắng cả một đoạn sông. Ăn không được, bán không ai mua, Phước đành thuê người vớt đem chôn, thiệt hại gần nửa tỷ đồng.
Hàng ngày vật lộn với những con cá trên sông, chàng trai thư sinh, trắng trẻo ngày nào giờ đã trờ thành người đàn ông da bánh mật, già dặn trông thấy. 
Trước cú thua lỗ lớn ở cái tuổi 23, Phước đã có lúc chán nản đến nỗi ngày nào cũng đi qua đi lại quanh các lồng cá, rồi bần thần ngồi bệt trên bờ sông nghĩ ngợi... Nhìn thấy Phước như vậy, người nhà ai cũng lo lắng, song anh đã kịp thời lấy lại thăng bằng. 
Phước tâm sự: “Tôi nghĩ không có sự thành công nào là không phải trả giá. Cái giá rẻ nhất phải trả là khi mình vẫn còn trẻ, còn nhiều cơ hội để làm lại. Nhưng “soi” kỹ, tôi thấy mình thất bại là bởi còn non yếu về kiến thức…”.
Nhận ra điểm yếu đó, ngay hôm sau Phước trang bị một máy vi tính nối mạng internet ra chòi cá, hễ rảnh rỗi là anh vào mạng tìm tài liệu về nuôi cá để nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Ngoài ra anh còn lên Hà Nội mua cả chồng sách kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá về đọc thâu đêm. 
Đến giờ, chỉ cần nhìn thấy cá bơi ít, bơi nhiều, nổi đầu, hay kém ăn… là anh biết ngay chúng đang bị bệnh gì, từ đó áp dụng phương pháp điều trị kịp thời.
“Vua” cá giòn đất Bắc
bo luong cao ve que, thanh ty phu ca gion o tuoi 27 hinh anh 2Nguyễn Thế Phước đang bắt cá chép giòn
Sau vài năm gắn bó với việc nuôi cá lồng cũng như tìm hiểu thị trường, Phước nhận thấy cá diêu hồng mặc dù dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, song nếu chỉ nuôi một thứ thì rủi ro rất lớn. 
Trong khi đó, đa phần người tiêu dùng lại thích ăn cá lăng, trắm, chép..., vậy là anh tìm cách đưa các loài này vào nuôi. Cứ lứa này gối lứa khác, Phước có cá bán quanh năm. Như năm 2013, sau khi trừ chi phí Phước thu lãi hơn 1 tỷ đồng.
Cũng nhờ chăm chỉ đọc sách báo mà Phước được biết năm 2007, một nông dân ở Hồ Nam (Trung Quốc) đã tình cờ phát hiện ra công dụng đặc biệt của hạt đậu tằm. Khi cho cá trắm, chép ăn đậu tằm một thời gian, thịt sẽ săn chắc lại và giòn, rất thơm ngon.
Nhận thấy đây là một ý tưởng tuyệt vời, Phước đã dành thời gian tìm hiểu về hạt đậu tằm, liệu loại đậu này có ảnh hưởng gì tới sức khỏe người ăn cá hay không... 
“Theo các tài liệu khoa học, đậu tằm có nguồn gốc xuất xứ ở Trung Đông, có hàm lượng protein tới 31%, với đủ 8 loại axit amin thiết yếu, hàm lượng tinh bột 49%..., do đó, khi cá ăn vào, quá trình trao đổi chất sẽ giúp thịt cá chắc, dai và giòn. 
Song chỉ có cá trắm và chép ăn đậu này mới cho thịt giòn. Và một điều đáng mừng là hạt đậu tằm đang được dùng rất phổ biến ở châu Âu. Tại Việt Nam, hạt đậu tằm cũng được nhiều người dùng như một loại ngũ cốc” – Phước cho biết.
Bắt tay vào nuôi cá giòn, Phước chọn những con cá trắm, chép đạt trọng lượng cần thiết (1,2 - 1,5kg/con) nuôi riêng và chỉ cho ăn hạt đậu tằm. “Sau khoảng 8 - 9 tháng nuôi bằng phương pháp đặc biệt này, thịt con cá sẽ dai và giòn ra. Tuy nhiên, mức độ dai, giòn như thế nào thì đó là bí quyết của mỗi người!” - anh Phước vui vẻ nói.
bo luong cao ve que, thanh ty phu ca gion o tuoi 27 hinh anh 3Ngoài cá trắm, chép giòn, mỗi năm Nguyễn Thế Phước còn xuất hàng chục tấn cá diêu hồng, thu về hàng tỷ đồng
Trước đây, Phước phải nhập hạt đậu tằm từ Trung Quốc, song để chủ động nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, Phước đã thuê đất ở Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng) để trồng đậu tằm. 
Phước cho hay: “Trước khi cho cá ăn, hạt đậu tằm sẽ được ngâm ủ trong khoảng 24 giờ. Kỹ thuật ngâm ủ là một trong những yếu tố rất quan trọng, giúp thịt cá dai và giòn hơn. Hiện tôi đã chủ động được hoàn toàn thức ăn và 100% cá giòn được nuôi ở Việt Nam, vì vậy người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng”.
Cũng theo lời Phước, trong 100 lồng cá đang nuôi hiện nay, cá giòn chỉ chiếm 40%, song giá trị lại chiếm tới 60 - 70%. Hiện anh đang bán cá chép giòn tại bè với giá 170.000 đồng/kg (lúc cao điểm 240.000 đồng/kg), trắm giòn 150.000 đồng/kg (cao điểm 200.000 đồng/kg), trong khi cá chép thường chỉ 70.000 đồng/kg, trắm thường 60.000 đồng/kg.
Phước cho biết thêm, hiện nhu cầu tiêu thụ cá trắm, chép giòn rất cao nhưng không vì thế mà anh bán ồ ạt, chỉ bán những con đủ cân nặng (3 - 5kg/con) và đủ độ giòn. Hiện mỗi năm Phước xuất bán khoảng 30 tấn cá trắm, chép giòn và hàng chục tấn cá diêu hồng, lăng, sau khi trừ chi phí, Phước lãi từ 6 - 7 tỷ đồng/năm.



Dân giàu sống sạch: Mỗi tháng 5 triệu tiền rau

Những loại rau quả thuộc hàng “sang chảnh”, đắt ngang ngửa thịt - thậm chí còn đắt gấp rưỡi, gấp đôi thịt - đang trở nên quen thuộc trong bữa ăn của nhà giàu Việt.

Chi 5 triệu/tháng để mua rau
Nếu phần lớn các gia đình chỉ mất vài nghìn đến vài chục nghìn đồng để mua rau ăn hàng ngày, gia đình chị Thu Hương ở Làng Quốc tế Thăng Long (Cầu Giấy, Hà Nội) lại chi tới cả trăm ngàn đồng để mua được một ký rau.
Chị Hương chia sẻ, trước chị mua rau ngoài chợ thấy cũng rẻ, nhưng càng ngày nhiều thông tin rau nhiễm độc, dân phun thuốc trừ sâu cho rau quả như tắm khiến gia đình chị hoảng sợ và chuyển dần sang các loại rau an toàn, rau hữu cơ.
“Tôi thường mua rau hữu cơ trồng theo phương pháp của Nhật Bản, như mướp Nhật, cải thảo hỏa tiễn, cà chua đen, bắp cải, cải xoăn,... giá từ 70.000 - 120.000 đồng/kg, tùy loại”, chị Hương nói. Mặc dù đắt đỏ nhưng đổi lại, theo chị, các loại rau này ăn ngon, vị đậm đà và cực kỳ an toàn.
Mỗi tháng giới nhà giàu Việt chi 5 triệu đồng để mua được các loại rau sạch hữu cơ ăn hàng ngày
Mỗi tháng giới nhà giàu Việt chi 5 triệu đồng để mua được các loại rau sạch hữu cơ ăn hàng ngày

Tương tự, chị Cao Ngọc Quỳnh cũng cho hay, nhà chị chọn mua toàn các loại rau trồng theo phương pháp hữu cơ nên mỗi tuần hết khoảng hơn 1 triệu đồng tiền rau, 1 tháng hết tầm 5 triệu đồng.
Chị Quỳnh dẫn chứng, gia đình chị có 5 người, một ngày 2 hai bữa với lượng rau một tuần chị ghi lại gần đây nhất có cà chua đen 120.000 đồng/kg, nấm sò 60.000 đồng/kg, cải xoăn 80.000 đồng/kg, súp lơ baby 120.000 đồng, rau muống baby 2kg hết 140.000 đồng, măng tây tím 150.000 đồng/kg, cải thảo hỏa tiễn 70.000 đồng/kg, mướp Nhật 110.000 đồng/kg, ớt chuông đen 30.000 đồng nửa ký, rau chùm ngây 50.000 đồng/kg,... chưa kể tiền rau gia vị như: hành, tỏi, rau ăn kèm các món.
“Bình thường tôi cứ mua theo thói quen, một tuần đặt cửa hàng đem đến hai lần với danh sách tôi đã trao đổi trước đó. Khi họ đến giao, tôi hoặc mẹ chồng trả tiền trực tiếp nên không để ý hết bao nhiêu. Nhưng, vừa rồi tôi chuyển sang thanh toán qua ngân hàng mới biết, mỗi tháng nhà tôi chi hết 5 triệu để mua rau củ quả các loại. Chưa kể, những khi nhà có khách, lượng rau quả còn nhiều hơn”, chị Quỳnh cho hay.
Rau “sang chảnh” đắt như tôm tươi
Thực tế, theo khảo sát của PV, các loại rau được trồng theo phương pháp hữu cơ, rau sạch đang được bán trên thị trường khá nhiều. Tuy nhiên, giá của chúng cũng thuộc diện siêu đắt đỏ, ngang ngửa với giá thịt nếu không nói là có loại còn đắt gấp rưỡi, gấp đôi thịt lợn.
Các loại rau “sang chảnh” có giá đắt ngang ngửa thịt, thậm chí có loại đắt gấp đôi thịt, đang cực kỳ hút khách
Các loại rau “sang chảnh” có giá đắt ngang ngửa thịt, thậm chí có loại đắt gấp đôi thịt, đang cực kỳ hút khách

Giá đắt như vậy song nhiều nhà giàu vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Bằng chứng là tại các cửa hàng thực phẩm sạch, cửa hàng rau hữu cơ,... các loại rau này luôn trong tình trạng cháy hàng. Một số loại rau khách còn phải đặt trước 3 ngày, thậm chí 1 tuần, có loại đến cả tháng trời mới có.
Trao đổi với PV, anh Trần Trung Nghĩa, chủ một chuỗi cửa hàng rau hữu cơ trên đường Cầu Giấy, chia sẻ, anh mở hệ thống cửa hàng rau hữu cơ được hơn hai năm nay. Nguồn rau chủ yếu lấy từ các hộ trồng rau hữu cơ trên Đà Lạt, đều đặn mỗi ngày, để đảm bảo hàng luôn tươi mới. Thế nhưng, các loại rau củ quả liên tục trong tình trạng cháy hàng.
“Tôi mở cửa hàng được hơn 2 năm nhưng chưa bao giờ thấy rau bị ế, nhập rau về mà phải bán sang tới ngày thứ 2-3. Thông thường chỉ tầm 3 giờ chiều là hết, sau đó khách muốn mua thì phải đặt trước. Đặc biệt, với những loại rau củ mới như: cà chua đen, cải xoăn kale,... bắt buộc khách phải đặt trước”, anh Nghĩa chia sẻ.
Anh Nghĩa tiết lộ, chuỗi cửa hàng rau có khoảng gần 900 khách hàng thân thiết, ngày nào cũng đặt mua rau đều đặn, còn những khách mua với tần suất ít hơn thì anh không thể tính được.
Chị Lê Thị Phương, chủ một shop thực phẩm sạch ở Thanh Xuân (Hà Nội) cũng cho biết, các loại rau “sang chảnh” được trồng theo phương pháp hữu cơ như bắp cải, súp lơ, cà chua, xà lách xoăn, cải xoăn,... cực kỳ hút khách, mặc dù giá của chúng cũng thuộc diện sang chảnh chẳng kém, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua đều đặn mỗi ngày.
“Cửa hàng tôi có đến 2/3 là khách phải đặt trước, và một số loại rau hiếm, lượng đơn đặt hàng của khách luôn vượt xa so với số của cửa hàng nhập về được nên khách thường phải chờ”, chị Phương cho hay.


Thương lái lạ săn gà Đông Tảo

Gần đây nhiều thương lái Trung Quốc đã về tận xã Đông Tảo (thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên) để thu gom mua gà “tiến vua” một cách bất thường. Mặc dù thấy lạ, nhưng người dân nơi đây vẫn bán một cách vô tư.

Mua kiểu tận thu
Một người dân chuyên chăn nuôi gà Đông Tảo cho biết: gà “tiến vua” ở đây luôn đắt khách mua và rất được giá. Tuy nhiên, điều lạ là không hiểu vì sao gần đây, các thương lái Trung Quốc mua với giá rất cao. Trứng gà Đông Tảo được đặt hàng với giá từ 100- 200.000 đồng/quả; gà bố, mẹ mua từ 5 -10 triệu đồng/con. Không kể gà trống hay gà mái, gà đẻ hay gà thải loại (gà già), hễ thấy gà có chân to là thu mua triệt để.
Một số thương lái Trung Quốc còn đặt vấn đề với họ đứng ra làm “nậu” thu gom gà mà không hạn chế về số lượng. Điểm khác biệt của thương lái Trung Quốc với thương lái nội địa là khi thu mua họ tiến hành một cách ồ ạt.
Được biết, xã Đông Tảo thường xuyên có trên 2.200 hộ chăn nuôi gà đặc sản. Trong đó hàng trăm hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Điển hình như: hộ ông Nguyễn Văn Thấm (chủ trại gà Thấm Mộc), hàng năm duy trì trên 2 nghìn con gà thịt thương phẩm, 500 con gà mẹ, xuất trên 2 vạn con gà giống 1-2 ngày tuổi/năm; hộ ông Tạ Đình Hiếu, hộ anh Thắng cũng luôn duy trì hàng nghìn con gà trong chuồng trại, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Bảo vệ thương hiệu gà Việt        
Các chủ trại gà nói rằng ngăn cấm thương lái Trung Quốc mua bán gà Đông Tảo là điều không thể. Việc thương lái Trung Quốc ồ ạt mua như thời gian vừa qua cũng là cơ hội để bà con chăn nuôi xuất khẩu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, cũng cần cảnh giác với nguy cơ mất thương hiệu. Gần đây, gà Đông Tảo được nhiều tờ báo lớn  nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức và Trung Quốc đề cập đến chất lượng thương hiệu. Để ngăn chặn điều này có thể xẩy ra, cần phải đăng ký thương hiệu gà Đông Tảo của Việt Nam càng sớm càng tốt.
Theo ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch Hội những người nuôi gà Đông Tảo, gần đây bà con bán gà cho nhiều thương lái ở Trung Quốc và cả Bỉ, Thái Lan, Lào, Nhật Bản, Hồng Kông... Họ mua với giá rất cao. Bà con chăn nuôi bán gà cho ai là quyền của họ, pháp luật không cấm. Địa phương nên giúp đỡ và đứng ra hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ thương hiệu “Gà Đông Tảo”. Đây là việc làm cần thiết để xây dựng thương hiệu gà Đông Tảo, mở ra cơ hội đưa gà ở đây tiến xa ra thị trường thế giới, đồng thời tạo cơ sở pháp lí để bảo vệ thương hiệu trên thị trường.
Một chủ trại gà Đông Tảo cho hay, sau khi mua gom gà Đông Tảo, các thương lái Trung Quốc thường dùng xe tải đưa gà tới tập kết tại khu vực một số tỉnh biên giới đưa về nước tiêu thụ như một thứ đặc sản.


Bỏ túi tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề mua ... rơm

Trước đây, rơm là loại phế phẩm bỏ đi sau mỗi mùa thu hoạch thì nay loại phế phẩm này được các thương lái gần xa đổ xô tìm mua, đưa về các tỉnh miền Đông bán lại. Sau 1 - 2 chuyến hàng, trừ hết mọi chi phí, các thương lái bỏ túi 1,5 - 2 triệu đồng/ngày.

Nông dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đang vào vụ thu hoạch rộ lúa vụ 3, lúa Thu Đông. Dọc theo những cánh đồng tỉnh lộ 942 và 944, không khí ngày mùa sôi động hẳn lên khi xuất hiện nhiều máy cuốn rơm xen lẫn với máy cắt lúa. Thương lái lùng sục tranh mua, còn nông dân thì có nhu cầu bán nhằm cải thiện chi phí sản xuất cho một vụ mùa, điều đáng quan tâm là việc mua, bán rơm diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và rầm rộ nhanh hơn cả bán lúa.
Nhu cầu mua rơm hiện rất lớn, nhiều thương lái săn lùng khắp ruộng tranh mua khiến giá rơm đẩy lên cao. Anh Phạm Minh Tuấn cho biết, nếu như trước đây thu hoạch xong vụ lúa, gia đình đốt rơm ngoài đồng chuẩn bị vụ mùa sau thì khoảng 5 năm trở lại đây, rơm được thương lái tìm mua hết. Tận dụng việc bán rơm, thu nhập trang trải chi phí cho mùa lúa cũng đáng kể. Với khoảng 6 ha, mỗi vụ anh Tuấn cũng có thêm thu nhập khoảng 30 triệu đồng từ loại phụ phẩm tưởng chừng bỏ đi này.

Những năm trước đây, rơm thường được nông dân đốt tại đồng, nay có nhiều người mua nên mỗi công (1.000m2) bán được 70.000 đồng
Những năm trước đây, rơm thường được nông dân đốt tại đồng, nay có nhiều người mua nên mỗi công (1.000m2) bán được 70.000 đồng
Thương lái ồ ạt tranh mua khiến giá rơm luôn được đẩy lên cao. Không chỉ các hộ chăn nuôi trâu bò cần rơm bổ sung cho thức ăn gia súc mà nông dân trồng trọt cũng cần rơm để che gốc thanh long hay cà phê.
Anh Trần Duy Phương, thương lái mua rơm ở tỉnh Long An cho biết: Rơm được thu mua từ nhiều cánh đồng Chợ Mới rồi đưa đi bán khắp nơi, từ khu vực ĐBSCL đến nhiều tỉnh ở Đông Nam bộ. Nông dân miền Tây đa số thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, máy cắt đến đâu phun rơm rạ ra đồng ruộng đến đó nên thương lái phải đầu tư loại máy chuyên dụng để đi mua rơm và cuốn thành cuộn tròn mang đi bán.
Nhờ đầu tư 2 máy cuộn rơm cùng lúc nên mùa này anh Phương mua được số lượng lớn rồi thuê xe chở ra miền Đông bán.
Anh Phương cho biết, mỗi ngày anh chở 2 chuyến khoảng 12 tấn. Sau khi trừ chi phí, như tiền mua rơm (70.000 đồng/1.000m2), tiền thuê nhân công (200.000 đồng/người)… , mỗi ngày anh Phương bỏ túi khoảng 1,5 triệu đồng.

Riêng các thương lái mua bán rơm, mỗi ngày trừ hết chi phí còn lời từ 1,5 -2 triệu đồng/ngày. Nhờ nghề mua bán rơm, nhiều người khá lên
Riêng các thương lái mua bán rơm, mỗi ngày trừ hết chi phí còn lời từ 1,5 -2 triệu đồng/ngày. Nhờ nghề mua bán rơm, nhiều người khá lên
Anh Trần Văn Phi - huyện Chợ Mới An Giang làm nghề mua rơm hơn 2 năm qua cho biết, công việc mua rơm bây giờ thuận tiện.
"Máy gặt lúa phun rơm thành hàng, mình chỉ mỗi việc đưa máy cuộn rơm thành cục kéo lên xe tải rồi đưa lên các tỉnh miền Đông bán lại cho các hộ trồng hoa màu, nấm… Cái vui là mỗi ngày trừ hết chi phí bỏ túi từ 1,5 - 2 triệu đồng, đặc biệt là giải quyết việc làm cho 5 - 6 công nhân lao động có thu nhập trên 4 triệu đồng/tháng", anh Phi hồ hởi chia sẻ.
Việc thu mua rơm diễn ra quanh năm, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác và cũng nhờ công việc này mà 2 năm nay, anh Phương, anh Phi… cùng nhiều hộ mua rơm khác có cuộc sống khá lên. Ngoài ra còn tạo việc làm có thu nhập cao cho hàng chục công nhân lao động tại những địa phương anh Phương đến thu mua rơm.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons