Theo những ngư dân chuyên “ăn” theo mùa lũ thì năm nay họ thất thu đáng kể khi nguồn lợi thủy sản giảm hơn 1 nửa so với năm rồi. Các làng nghề “ăn theo” mùa lũ, như làng lưới, lợp cua, tép, đóng xuồng… cũng hắt hiu
Nhiều địa phương nói đến lũ, người dân khiếp vía. Riêng miền Tây, mùa lũ được xem là mùa lợi, khi dân bắt thêm con tôm, con cá… Lũ bồi đấp phù sa cho ruộng vườn... Năm nay lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản giảm, chi phí vụ sau sẽ tăng khiến bà con lo lắng.
Nghề ăn theo mùa lũ buồn hắt hiu
“Đã hết tháng 8 âm lịch, thế nhưng nước trên đồng chỉ đến mắt cá chân. Chỉ còn con nước 30/8 và rằm tháng 9 là hết mùa lũ. Cũng vì nước trên đồng không có, vừa tốn tiền thuê máy cắt rạ vụ lúa thu đông, vừa không nuôi được cá đồng mùa nước nổi nên mùa lũ năm nay, bà con chúng tôi xem như bị thiệt hại kép”, anh Nguyễn Thanh Hiên – xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ mở đầu câu chuyện mùa lũ như thế.
Anh Hiên và nhiều người dân ở huyện Thới Lai cho biết, vụ lúa thu đông năm nay được xem là thuận lợi trong khâu thu hoạch. Vì theo người dân ở đây cho biết, những năm trước bà con thu hoạch lúa với tinh thần chạy đua với lũ. Nhiều chủ ruộng, lúa chưa kịp chính hết bông đã phải gặt vội vì sợ lũ nhấn chìm. Năm nay, máy gặt chạy trên ruộng ngon lành, nhiều mảnh ruộng khô rang. Thu hoạch lúa xông, nhiều hộ gặt lúa xong phải thuê máy cắt góc rạ, chuẩn bị cho vụ đông xuân tới.
Lũ nhỏ, nhiều làng nghề ăn theo mùa lũ, như: làng lưới Thơm Rơm (TP Cần Thơ), lợp tép, đóng đáy cá linh, câu lưới... thất thu đáng kể.
Theo anh Nguyễn Văn Thuận – cùng ở xã Xuân Thắng cho biết, mọi năm thời gian này nước trên ruộng thấp nhất cũng từ 0,5 - 0,7m. Năm nay, mảnh ruộng nào thấp nhất thì nước trên ruộng còn được 20 -30cm, tuy nhiên với mực nước này không thể thả cá nuôi được. Như năm rồi, 1ha đất của tôi, nếu thả vài trăm ký cá chép, mè vinh… đến hết mùa lũ bỏ túi thấp nhất cũng 5 triệu đồng, còn năm nay, xem như mất trắng mà còn tốn tiền cắt gốc rạ”.
Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… được xem là những vùng hạ nguồn và đến thời điểm này bà con cho biết như không có mùa lũ. Với những vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp… một số huyện như An Phú (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) có được chút nước lũ. Tuy nhiên, theo những ngư dân chuyên “ăn” theo mùa lũ thì năm nay họ thất thu đáng kể khi nguồn lợi thủy sản giảm hơn 1 nửa so với năm rồi.
Ông Trần Văn Bảy làm nghề đóng đáy cá linh ở xã Thường Phước, huyện Hồng Ngự buồn bã nói: “Đến giờ này gần hết mùa lũ rồi mà nước dưới sông thấp gần 1 nửa so với năm rồi. Bởi vậy, chẳng có cá mắm gì, mỗi ngày chỉ kiếm được 5-10 kg cá linh, giảm 3-4 lần so với mấy năm trước.
Nhưng huyện đầu nguồn như, Hồng Ngự (Đồng Tháp), An Phú (An Giang) một số cánh đồng có chút không khí mùa lũ, khi ngư dân "ra khơi" đánh bắt thủy sản.
Ở huyện Hồng Ngự được xem là địa phương đi đầu trong mô hình nuôi tôm càng xanh mùa lũ, tuy nhiên do lũ thấp nên diện tích nuôi giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Buông - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự thông tin: “Năm nay lũ nhỏ quá. Mực nước thấp hơn cùng kỳ nhiều năm hơn cả mét. Tôm cá ít ỏi, dân làm nghề đánh bắt mùa lũ thất thu. Nước không tràn đồng, mấy ngàn ha đất chờ xả lũ nhưng không có nước, người dân không nuôi tôm cá, lươn, cua đồng hay khai thác rau mùa lũ được. Bà con thất thu trong việc khai thác thủy sản, đã vậy còn phải lo cho chi phí vụ sau sẽ tăng do sâu bệnh.
Ông Nguyễn Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú, tỉnh An Giang cho biết, tới thời điểm này, vùng trũng ở huyện đầu nguồn của chúng tôi, nước lũ còn chưa tràn đồng, người dân đang mong ngóng. Vùng sản xuất lúa 2 vụ, chừa 1 vụ để khai thác mùa lũ nhưng nay coi như không thu hoạch gì từ lũ. Các năm trước, mỗi mùa lũ, người dân ở đây thu hơn 2.000 tấn cá, nhưng nay thì chưa có gì.
Lũ nhỏ, hoạt động của các làng nghề “ăn theo” mùa lũ, như làng lưới, lợp cua, tép, đóng xuồng… cũng hắt hiu. Ông Nguyễn Thiện Bé, chủ tiệm lưới ở làng lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: Năm nay lũ bèo quá, không có nước, cá tôm cạn kiệt nên dân đánh bắt nghỉ gần hết. Nhu cầu mua lưới chỉ bằng 1/3 so với các năm có lũ. Hiện tôi chỉ còn hơn 10 nhân công làm việc. Còn lúc cao điểm các năm có lũ thì tới 40-50 người”.
Lo dịch bệnh sẽ tăng
Theo trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, đến ngày 4/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu chỉ đạt mức 2,275m; tại Châu Đốc đạt mức 2,03m; thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 1,37-1,44m. Theo dự báo của đơn vị này, mực nước đến ngày 8/10 tại Tân Châu cao nhất chỉ đạt 2,02; tại Châu Đốc 1,77m. Những ngày tới mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, khu vực hạ nguồn xuống theo triều và sẽ lên lại vào ngày cuối. Khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên mực nước ít biến đổi.
Do lũ nhỏ nên tại TP. Cần Thơ, nhiều cánh đồng vẫn còn trơ gạ như thế này.
Anh Nguyễn Thanh Hiên cho biết: “Theo kinh nghiệm của bà con trồng lúa chúng tôi, hễ năm nào lũ nhỏ thì vụ lúa năm đó rất vất vả. Dịch bệnh đủ thứ tấn công lúa, tiền phân thuốc theo đó tăng cao nhưng năng suất có khi còn bị giảm”.
Theo anh Hiên giải thích, lũ lớn thì ruộng đất được nước lũ “nhấn chìm” ít nhất là 2 tháng, bao nhiêu sâu bệnh, cây cỏ kể cả gốc rạ cũng chết hết. Và những loại này khi chết được phân hủy tan trong đất trở thành các chất hữu cơ cho hoa màu vụ sau. Đây là chưa tính đến lượng phù sa có trong nước lũ mang về cho đồng ruộng.
Cũng do lũ nhỏ, nhiều cơ sở đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) cho biết số lượng ghe xuồng bán ra giảm phân nửa so với mùa lũ năm rồi.
Xuyên qua các vùng đầu nguồn ở An Giang, Đồng Tháp, đang là đỉnh điểm của mùa lũ nhưng chưa thấy không khí gì của lũ. Hàng ngàn cách đồng được người dân ngưng sản xuất vụ 3 để chờ xả lũ nhưng vẫn còn trơ rạ.
Theo PGS. TS Lê Anh Tuấn - Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ cho biết, so với nhiều năm trước, năm nay lượng nước mất khoảng 60-70%, đất ít phù sa sẽ ảnh hưởng đến năng suất của năm sau. Các chất độc tố trong đồng ruộng cũng không được rửa trôi và không ngăn chặn được nạn xâm nhập mặn từ ngoài biển vào đất liền.
Còn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập cho biết, trong phù sa có nhiều dinh dưỡng là nguồn phân bón tự nhiên cho lúa, giúp giảm chi phí phân bón. Ngoài ra, cây lúa nhận được dinh dưỡng từ phù sa cũng khỏe mạnh hơn cây lúa nhận dinh dưỡng từ phân bón. Nếu lũ thấp thì việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều, ảnh hưởng nguồn nước sau này.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét