Do lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản giảm hẳn, đặt biệt là các loại cá đồng. Chính vì vậy, giá các loại cá đồng tăng vọt nhưng vẫn đắt hàng. Ăn theo các loại cá tự nhiên này, nhiều loại cá nuôi “núp bóng” để bán với giá trên trời.
Cá đồng lên ngôi
Theo Đài khí tượng Thủy văn An Giang dự báo mực nước đến ngày 11/10 tại Tân Châu ở mức 2.36m, Châu Đốc là 2,1 m. Với mực nước này cần 1m nước nữa mới đạt mức báo động 1 (Báo động 1 tại Tân Châu 3,5m; Châu Đốc là 3m). Do vậy, theo nhiều chuyên gia và người dân sống ở vùng rốn lũ cho biết, đây là mùa lũ “cạn” nhất so với hàng chục năm qua.
Cũng do lũ “cạn”, nguồn lợi thủy sản tự nhiên giảm hẳn, đặc biệt là các loại cá “trời cho”, như: cá linh, cá lóc, cá trê, cá rô… trở nên khan hiếm. Chính vì điều này, giá các loại cá đồng tại các chợ đầu mối ở TP. Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… tăng từ 1,5 - 2 lần so với năm rồi.
Mùa lũ năm rồi, nước trên đồng ngập mênh mông, cá có môi trường sinh sôi hoặc người dân dùng lưới bao quanh thả nuôi cá ruộng.
Anh Nguyễn Văn Cum – xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chuyên sống bằng nghề kéo côn, cắm câu mùa lũ cho biết: “Đến giờ này, mực nước trên đồng chỉ cao hơn mắt cá chân thì làm sao có cá gì mà kéo côn hoặc giăng câu, thả lưới. Bởi vậy, mùa nước năm nay, gia đình tôi chuyển qua nghề bắt ốc bươu vàng bán, mỗi ngày kiếm 70.000 – 100.000 đồng sinh sống”.
Cũng theo anh Cum, một số hộ khác làm liều dùng bình ắc qui diệt cá vào ban đêm (trốn cơ quan chức năng) nhưng mỗi đêm cũng chỉ kiếm 2 – 5kg cá lóc là xem như trúng mánh. Tuy số lượng giảm, nhưng bù lại bán được giá cao, nếu so với năm rồi thì giá bán cá cao hơn từ 10.000 – 20.000 đồng/kg.
Có mặt tại chợ Tân An, chợ An Bình, chợ Mỹ Khánh (TP. Cần Thơ)… các loại cá đồng khan hiếm vô cùng. Nếu có, giá cao ngất ngưởng và cũng chỉ toàn cá nhỏ. Cụ thể, cá lóc đồng loại 200 gram/con có giá thấp nhất 150.000 – 200.000đồng/kg (cá nuôi chỉ từ 60.000 – 70.000 đồng/kg), nhưng cá có trọng lượng này rất hiếm; còn chiếm phần đông là loại cá có trọng lượng từ 100 – 150g, nhưng giá cũng từ 100.000 – 150.000 đồng/kg. Đặc biệt đối với một số loại cá đặc sản như: trê vàng, cá linh, cá rô… giá vừa đắt vừa hiếm.
Năm nay, mùa lũ cạn nguồn lợi thủy sản giảm hẳn, đặc biệt là các loại cá đồng.
Anh Tài – một tiểu thương chuyên bán thủy sản “rặt” đồng ở đường Đề Thám (Phường An Cư, quận Ninh Kiều) cho biết: Tôi có nhiều mối thu gom các loại thủy sản đồng ở Hậu Giang, Cần Thơ… Tuy nhiên với các loại cá lóc, cá trê vàng, cá rô… mỗi loại, một ngày thu vô và bán ra chưa tới 10kg. Số lượng ít mà trọng lượng cá năm nay nhỏ quá nên người mua cũng dè chừng.
Như cá trê vàng, cá rô loại dưới 100g đã có giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg; Đặc biệt, tại chỗ anh Tài còn bán một số đặc sản “rặt” đồng khác, như cua đồng 70.000 đồng/kg (cua nuôi chỉ 25.000 – 30.000 đồng/kg); ba ba, rùa tự nhiên có giá từ 300.000 – 350.000 đồng/kg (loại nuôi chỉ từ 120.000 – 150.000 đồng/kg). Ngoài ra còn có ốc, các loại chim trời, rắn…. cũng được anh Tài bày bán.
Theo anh Tài, bán các loại này ít đụng hàng, vả lại tâm lí người thành thị bây giờ coi trọng sức khỏe, mọi người ngại ăn các loại cá hay động vật nuôi vì hay sử dụng các chất cấm. Do vậy, dù các mặt “rặt” đồng có giá cao gấp 2 lần so với các loại thủy sản, động vật nuôi, nhưng người ta vẫn bỏ tiền ra mua.
Cá nuôi “núp bóng” cá đồng
Vào thời điểm này, đi đến một số chợ nông thôn trên địa bàn có lũ, như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang… dễ dàng chọn lựa các loại thủy sản hay các loại động vật “rặt” đồng. Tuy nhiên, về các chợ đô thị, các mặt hàng này càng trở nên khan hiếm, nguyên nhân là do cung không đủ cầu. Vì thế, một số tiểu thương vì lợi nhuận và sự ít hiểu biết của khách hàng về các loại cá đồng với cá nuôi nên “hô biến” cá nuôi thành cá đồng để bán.
Anh Lành – nhà ở phường An Bình, đi chợ an Bình mua 2 kg cá lóc đồng về kho cho đứa con nhỏ ăn, anh Lành bức xúc kể lại: “Tôi tranh thủ đi sớm để chọn được cá đồng, nhưng vẫn bị lừa. Thấy vợ chồng bán cá này nói ở Hậu Giang mới lên bán và chỉ bán toàn các loại cá đồng. Nhìn xem số cá lóc, tôi thấy cá đèn xì, trông rất ngon… Tôi tin chắc là cá đồng rồi nên mua 2kg với giá 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên khi về kho thì thịt cá nhão nhẹt, lúc này mới biết là mua nhầm cá nuôi rồi”.
Do lũ "cạn", cá đồng không có môi trương sinh sản, phát triển nên khan hiếm. Do vậy, một số tiểu thương đã "hô biến" cá nuôi thành cá đồng để bán với giá cao gấp 2 -3 lần.
Không chỉ có cá lóc nuôi đánh tráo thành cá đồng mà còn một số loại khác, như cá sặc rằn, cá rô, cá trê vàng… Đặc biệt là các trê vàng người dân dễ bị “dính” bẫy nhất, vì lâu nay nhiều người cho rằng loại cá này chưa nuôi được, tuy nhiên thời gian gần đây người ta đã nhân giống thành công và đã nuôi rộng rãi ở nhiều địa phương.
Thông thường với các loại cá trê vàng nuôi giá chỉ từ 60.000 – 70.000 đồng là cao, nhưng với cá trê vàng tự nhiên (rất hiếm), loại 100g trở lên có giá từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Để lừa người tiêu dùng, các tiểu thương không bắt cá lớn, chỉ bắt cá từ 150g trở xuống, đặc biệt là loại 6 -7 con/500g, vì loại cá nhỏ này, người tiêu dùng khó lòng phân biệt bằng mắt thường.
Đặc biệt, với cá linh, nhất là giai đoạn đầu mùa lũ, nhiều người thích ăn cá linh non. Nắm bắt tâm lí này, nhiều tiểu thương đánh tráo bằng cách lấy cá trôi hô bán là cá linh non, vì khi cá trôi còn nhỏ, hình dáng bên ngoài rất giống cá linh non. Theo đó, giá bán 1kg cá linh non từ 150.000 – 200.000 đồng, còn loại cá trôi chủ yếu dùng làm cá mồi (cho các loại cá khác ăn) hoặc nuôi, chỉ từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Và rất nhiều khách hàng bị lầm, nhất là khi mua cá đã làm sẵn.
Để phân biệt các trôi với cá linh non, người mua chỉ cần chú ý đến hai mắt của cá, vì cá trôi hai mắt phình ra hai bên, không nằm sát với đầu như cá linh.
Điểm bá cá đồng của anh Tài trên đường Đề Thám, dù có nhiều mối thu gom cá đồng nhưng mỗi ngày anh mua vào bán ra mỗi loại chỉ khoảng 10kg cá.
Ngoài ra, ở nông thôn một số hộ dân còn “hô biến” cá nuôi thành cá đồng bằng cách cho cá “xuất chuồng” 1 - 2 tháng trước khi thu hoạch. Cụ thể, với các loại cá nuôi, như: cá lóc, cá sặc rằn, cá trê (nhưng nhiều nhất là cá lóc)… Khi nuôi đến giai đoạn trưởng thành, như cá lóc đạt trọng lượng từ 100 – 200g, người dân cho cá ra ao hoặc ruộng, giảm dần và cắt luôn thức ăn công nghiệp và cho cá ở ao, ruộng trong khoảng thời gian 1 - 2 tháng để cá ăn và sống ở môi trường tự nhiên. Khi được giá, họ kéo bán theo giá cá đồng.
Để phân biệt cá đồng với cá nuôi, anh Tài – chuyên bán các loại thủy sản, động vật tự nhiên cho biết, đối với cá lóc màu sắc cũng quan trọng, thường cá có màu đen huyền, bụng thon, đặc biệt cá có kích cỡ không đồng đều. Nếu người mua chịu khó quan sát, cá đồng rất khỏe, thường hay “quậy”, không nằm yên như các loại cá nuôi. Tuy nhiên, cách tốt nhất là khách hàng nên mua cá ở những chỗ quen hoặc người bán có lô, sạp hẳn hoi. Không nên mua cá của những người lạ mặt, vì họ bán một lần rồi nghỉ nên không quan tâm đến chữ tín.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét