Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Doanh Nghiệp thủy sản hội nhập: Phải bước qua... kháng sinh

Việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình nuôi trồng dẫn tới sản phẩm thủy sản XK bị cảnh báo, trả về đã và đang là vấn đề khiến không ít DN XK thủy sản, đặc biệt là những DN XK mặt hàng tôm hàng đầu Việt Nam lo ngại, bởi nếu tiếp diễn tình trạng này có thể khiến ngành tôm tận diệt.
Lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng thủy sản XK trên thị trường thế giới. Ảnh: ST.
Làm ăn nghiêm chỉnh vẫn bị “soi”
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Đối với trường hợp hàng rào kỹ thuật gây khó cho DN như của Minh Phú, cơ quan quản lý Nhà nước phải sang Nhật làm việc, thỏa thuận xem có một cơ chế riêng có hợp lý hay không, gỡ khó cho DN, chứ nếu bản thân DN nỗ lực làm tốt thôi cũng không giải quyết được vấn đề.
Theo ông Phan Vinh Hiển, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú: Trong phát triển chuỗi giá trị thủy sản hiện nay, nhức nhối nhất là việc sử dụng kháng sinh, hóa chất ở mọi khâu từ con giống, thức ăn, quá trình nuôi trồng tới chế biến… Trên thực tế, chất bảo quản trong nguyên liệu thức ăn NK đã khá nhiều. Sau đó, chất bảo quản tiếp tục được sử dụng cho vào thức ăn để lưu giữ trong kho. Còn với kháng sinh, tình trạng nuôi trồng nhiều bệnh khiến người nuôi ngày càng lạm dụng. Tôm nhiễm kháng sinh, người ăn sẽ hấp thu kháng sinh đó, lâu dần dẫn tới tình trạng chai lì kháng sinh nên khi bị bệnh sẽ bị kháng thuốc. Thực trạng đang diễn ra chính là lý do khiến cho thủy sản XK của Việt Nam nói chung, mặt hàng tôm nói riêng bị các thị trường lớn cảnh báo trong thời gian qua.
“Sản phẩm XK của Tập đoàn Minh Phú luôn đảm bảo chất lượng nhưng cũng đã bị ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề này. Nhật là thị trường lớn, lâu năm chiếm 25% kim ngạch XK của Minh Phú. Trước đây, khi XK sang Nhật, Minh Phú không cần phải trải qua khâu kiểm soát kháng sinh. Tuy nhiên, trong năm 2015, 13 DN đã bị phát hiện lợi dụng "tuồn" sản phẩm có chứa kháng sinh, hóa chất vào thị trường này, trong đó có tới 9 DN Việt Nam. Nhật đánh giá thị trường trên phương diện quốc gia chứ không phải cá nhân DN. Vì vậy, việc 9/13 DN Việt Nam XK hàng không đảm bảo an toàn vào Nhật đã khiến thị trường này gia tăng hàng rào, siết chặt kiểm soát với mọi DN. Điều này đang gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới những DN như Minh Phú”, ông  Hiển nói.
Ông Hiển phân tích, Tập đoàn Minh Phú đã tiến hành khảo sát nhiều nơi cả trong và ngoài nước, kết quả cho thấy, việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất tràn lan trong nuôi trồng thủy sản có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí sự tận diệt. Điển hình như, 10 năm trước nói tới mặt hàng tôm của Đài Loan (Trung Quốc) là nói tới một loại hàng có uy tín, chất lượng nhưng giờ ngành nuôi tôm Đài Loan đã bị tận diệt do ô nhiễm nguồn nước, đất… Đài Loan đã phải chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá rô phi và một số loài khác. Nếu không đổi thay, ngành nuôi tôm Việt Nam có thể cũng sẽ phải đối mặt với tình trạng tương tự.
Đề xuất có cơ chế riêng
Công ty TNHH Thông Thuận Ninh Thuận là DN XK tôm nằm trong “top” 20 của cả nước với kim ngạch XK mỗi năm khoảng 100 triệu USD và các thị trường XK chính là Mỹ, EU, Nhật. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, nhìn nhận về XK tôm trong năm nay, ông Đặng Quốc Cường, Giám đốc điều hành Công ty cho hay, trong ba thị trường, thị trường Nhật khởi sắc hơn cả bởi trước đây tỷ giá giữa đồng Yên và đồng USD là 123 Yên/1 USD thì nay chỉ còn 113,6 Yên/1 USD, đang có lợi cho nhà NK. Sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng khá có tiếng ở Nhật, đồng thời chỉ phải chịu sự cạnh tranh với Thái Lan. “Tuy nhiên, khi XK sang Nhật, lo ngại của DN là rào cản về kháng sinh ngày càng gắt gao hơn. Đây cũng là khó khăn của các DN khi XK sang thị trường EU. Còn đối với thị trường Mỹ, điều DN lo lắng là thuế chống bán phá giá”, ông Cường nhấn mạnh.
Tự tìm lối đi cho mình nhằm hội nhập vững vàng, Công ty Thông Thuận Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng hệ thống nuôi trồng tôm khép kín từ con giống, thức ăn, chế biến, XK… Theo ông Cường, do có tiền thân là DN chuyên làm giống, tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm, phát triển từng bước nên đến nay DN mới có thể tự tin. Đối với những DN khác, để đầu tư chuỗi giá trị khép kín tương đương như Công ty Thông Thuận Ninh Thuận sẽ phải bỏ ra một lượng tài chính khổng lồ. Không chỉ vậy, dù có đủ tiềm lực tài chính, nếu thiếu kinh nghiệm thì DN cũng khó thành công. Do đó, theo đại diện Công ty, trong bối cảnh hiện tại, để tự gỡ khó, điều quan trọng là các DN không thể triển khai manh mún, nhỏ lẻ mà cần có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ như DN có kinh nghiệm làm giống có thể liên kết với DN có kinh nghiệm nuôi trồng để đạt được hiệu quả như mong muốn, lấy kinh nghiệm của DN này hỗ trợ DN kia. Về phía Nhà nước, trong vấn đề hỗ trợ DN, đặc biệt là hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, Nhà nước cũng cần thể hiện rõ hơn vai trò của mình chứ không nên mờ nhạt như hiện nay.
Đứng từ góc độ DN bị tác động trực tiếp bởi việc lạm dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, ông Hiển cho biết: Trung Quốc đã làm việc riêng với Nhật Bản để hình thành cơ chế riêng cho những DN làm ăn minh bạch, hồ sơ tốt. Trước mắt, đây cũng là mong muốn của Tập đoàn Minh Phú. Ông Hiển kiến nghị Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các cơ quan chính quyền của Nhật Bản để đạt được điều này.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons