Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Diêm dân gặp khó vì muối

 Hiện nay, do ít áp dụng khoa học công nghệ nên năng suất lao động nghề muối thấp, cần nhiều lao động... Về lâu dài, cần một giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề muối bền vững.
Về “vựa muối” xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu những ngày này thấy cánh đồng muối hoang vắng. Ông Trần Minh, một diêm dân ở xóm Hồng Phong cho hay: Như mọi năm, mùng 4 Tết là bà con đã ra đồng muối để sửa sang chăm sóc ruộng muối, nhưng nay vẫn chưa đả động gì. Nếu như trước đây, một ngày bình thường ngoài đồng muối ở An Hòa có nhiều lao động trẻ tham gia, thì bây giờ chỉ còn phụ nữ, trẻ con và người già. Bà con không mặn mà nghề muối là do giá quá rẻ, trong năm 2013 - 2014 giá muối đạt từ 1.500 - 2.000 đồng/kg nay xuống còn 1.000 đồng/kg. Nghề muối đang không nuôi nổi diêm dân.
Thu hoạch muối tại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu
Thu hoạch muối tại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu.
Tại cánh đồng muối xóm Bắc Lợi, xã An Hòa hiện có nhiều ruộng muối bỏ hoang cỏ mọc um tùm, các kho chứa muối không sử dụng lâu ngày xập xệ, dột nát. Anh Bùi Văn Triều ở xóm Bắc Lợi chia sẻ: Gia đình làm 250m2 ruộng muối, những năm qua cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng chạt, lọc… tuy nhiên do giá muối rẻ nên chúng tôi chỉ làm 120m2, phải chuyển đổi sang các ngành nghề khác để sinh sống. Chứ trên diện tích ấy, nếu “cày” giỏi cũng chỉ được hơn 10 tấn muối/năm, thu được 10 triệu đồng; trừ chi phí đầu vào 3 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ mua gạo. 
 
Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm: An Hòa có 145 ha muối, từ năm 2013 đến nay xã đã được Nhà nước hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho diêm dân duy tu ruộng muối, xây dựng chạt lọc. Nhờ vậy đã góp phần giảm thiểu sức lao động trên ruộng muối. Tuy nhiên, cách làm muối ở đây vẫn là cách làm truyền thống, các công đoạn làm muối đều phải dùng sức người, năng suất thấp, bình quân các hộ dân tham gia nghề muối chỉ đạt 7 - 10 triệu đồng/năm/2 lao động. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 15 ha muối bị bỏ hoang. 
 
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu chia sẻ: Quỳnh Lưu có 560 ha muối, tập trung ở các xã Quỳnh Thuận, An Hòa, Quỳnh Thọ… sản lượng muối hàng năm đạt khoảng 65.000 ha. Khó khăn đối với nghề muối hiện nay là các nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn diêm dân cũng ít được tiếp cận nhất. Các ngân hàng rất ngại cho diêm dân vay vì họ không có tài sản để thế chấp. Doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư vào nghề muối vì ít có lãi, địa bàn huyện chỉ có duy nhất Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc, xã Quỳnh Yên sản xuất và tự tiêu thụ được hơn 10.000 tấn muối/năm. 
1
Người dân chăn thả dê trên cánh đồng muối bỏ hoang.
Áp dụng công nghệ làm muối sạch, hiện nay toàn huyện Quỳnh Lưu chỉ mới có trên 10 ha làm muối phủ bạt ni lông, tuy nhiên làm theo cách này chi phí đắt, trong khi giá muối rẻ nên người dân không mở rộng diện tích. Từ nay đến năm 2020, huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục rà soát đối với các diện tích muối không hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác khoảng trên 100 ha. 
 
Tại xã Diễn Bích (Diễn Châu) nghề muối cũng không kém phần khó khăn. Ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho hay: Toàn xã có 45 ha muối, có 2 HTX làm nghề muối gồm HTX Hải Trung và HTX Hải Bắc. Sản lượng muối trong năm 2015 đạt 2.100 tấn, do khó tiêu thụ nên trong các kho muối của bà con đang tồn đọng gần 1.000 tấn muối. Những năm qua, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con đầu tư cải tiến chạt lọc, phủ bạt kết tinh muối, nhưng diện tích phủ bạt sản xuất muối sạch còn rất ít, chi phí cao nên bà con chưa dám đầu tư. Vấn đề đặt ra hiện nay là xã đang rất cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề muối như ô, chạt, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống giao thông…
 
Theo kế hoạch của xã, sang năm 2017, xã kiện toàn xây dựng 2 HTX nghề muối theo HTX kiểu mới. HTX có nhiệm vụ cung ứng vật tư, vật liệu cho bà con sản xuất muối, HTX đứng ra phối hợp, liên kết tìm nơi bao tiêu sản phẩm. Được biết, huyện Diễn Châu có 190 ha muối, từ năm 2013 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 40 ha muối tại xã Diễn Ngọc sang lĩnh vực đất cho thuê phát triển dịch vụ thương mại. Thời điểm này huyện còn 150 ha muối tại các xã Diễn Kỷ, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim… Do giá muối thấp nên diêm dân không sản suất theo hướng thâm canh, sản lượng giảm, như năm 2015 toàn huyện chỉ đạt 8.000 tấn muối, giảm hơn 1.000 tấn so với năm 2014.
 

Gạo Việt 'ngậm ngùi' mang thương hiệu Trung Quốc

Gạo Việt Nam vừa cập cảng đã bị các DN nước nhập khẩu “thay tên, đổi họ”. Chính vì vậy, người tiêu dùng nước nhập khẩu không biết đến thương hiệu gạo Việt.
Chua xót gạo Việt bị hô biến thành gạo Trung Quốc
Hiệu hội Lương thực Việt Nam VFA cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng thương hiệu, tên tuổi gạo Việt tại các siêu thị Trung Quốc lại gần như “vắng bóng”. Theo thống kê, trung bình hàng năm, Trung Quốc nhập trên 3 triệu tấn gạo của Việt nam, chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho hay, nhiều thương nhân Trung Quốc sau khi nhập gạo Việt Nam về thường trộn với gạo của họ, đóng bao thương hiệu của họ. Họa hoằn lắm mới có công ty TQ in chữ (rất nhỏ) gạo nhập từ VN. Việc làm này khá phổ biến nên người tiêu dùng Trung Quốc không hề biết đây là gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Gạo Việt Nam sau khi chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ảnh: Tiền Phong
Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu gạo cho hay không chỉ ở thị trường TQ mà ở một số thị trường khác gạo Việt cũng “chung số phận”. Lý do là các công ty xuất khẩu gạo VN thường chỉ đóng bao, in tên loại gạo, tên công ty và giao hàng đến cảng là xong. Sau đó họ không biết hạt gạo Việt bán ra nước ngoài được tiêu thụ ra sao và ai mua.

Trong nỗ lực đẩy mạnh thương hiệu gạo Việt, công ty tư nhân Công Bình ở Long An đang mở rộng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm tạo ra thương hiệu gạo Việt riêng biệt. Đến nay, gạo Công Bình đã xuất đi trên 10 nước, từ châu Âu, Mỹ, Á… Giá gạo Công Bình tuy vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 100 USD/tấn nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho thương hiệu gạo Việt.
Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo số lượng, cứ bán được nhiều là mừng, chưa quan tâm đến thương hiệu. Đến nay, Việt Nam là khu vực chậm nhất trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhận định, DN xuất khẩu gạo nước ta vẫn thụ động, chờ người mua và chưa chủ động mang ra thị trường thế giới để bán, chưa biết cách tiếp thị ra bên ngoài. Gạo Việt đang bán qua trung gian là chính chứ chưa bán cho nhà phân phối trực tiếp và các hệ thống siêu thị ở các nước.
Tiềm ẩn rủi ro từ sự phụ thuộc
Mặc dù gạo Việt đang cố gắng tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), đơn vị chủ yếu xuất khẩu gạo chính ngạch cho Trung Quốc qua đường biển cho biết, nhu cầu gạo thơm của nước này đang tăng.
Ngoài ra, hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines và Indonesia cũng vẫn còn tới tận giữa tháng 3 mới giao hết. Và có khả năng những thị trường này sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo để ổn định lương thực trong nước.
Tuy nhiên, việc chờ đợi vào việc nhập khẩu của các nước khiến các DN xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng “sớm nắng chiều mưa”.
Một số tiểu thương cho hay, hiện tại xuất khẩu gạo qua đường chính ngạch đang bị “đóng băng” còn đường tiểu ngạch thì “bế tắc” do thời tiết, rủi ro rất cao, dễ bị ép giá.
Hơn nữa, GS Võ Tòng Xuân góp ý xây dựng thương hiệu gạo không phải là chỉ tập trung vào gạo cấp cao, bỏ gạo giá rẻ mà tập trung thế mạnh của nước mình và theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra Campuchia, Lào làm thương hiệu được không chỉ nhờ làm vùng nguyên liệu, giống chất lượng mà họ biết cách bán hàng, tiếp thị.


Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

Mua tạm trữ lúa gạo không phải chính sách thường xuyên


Theo Nghị định số 109 ngày 4.11.2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng.

   
Đây không phải chính sách bao tiêu sản phẩm hay hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là biện pháp kích cầu, thông qua đó để ngăn chặn sự suy giảm và duy trì ổn định giá lúa, gạo trên thị trường, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa.
Theo các ý kiến gửi đến kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, cử tri tỉnh An Giang cho rằng, chủ trương thu mua lúa tạm trữ là quyết định đúng đắn, tạo hiệu quả hỗ trợ  nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cử tri đề nghị nên có kế hoạch thu mua ngay từ đầu vụ và công bố sớm giá sàn để nông dân an tâm sản xuất. Đồng thời, cử tri lo ngại doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn hỗ trợ thu mua lúa, gạo không đúng mục đích, vì có trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia thu mua lúa.
mua tam tru lua gao khong phai chinh sach thuong xuyen hinh anh 1
Tạm trữ lúa gạo hỗ trợ người trồng lúa.  Ảnh: I.T
Về vấn đề này, Bộ NNPTNT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh An Giang như sau:
Theo Nghị định số 109 ngày 4.11.2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo thì việc mua tạm trữ lúa, gạo không thực hiện thường xuyên và chỉ là giải pháp can thiệp vào thị trường khi giá lúa hàng hóa trên thị trường thấp hơn giá định hướng. Đây không phải chính sách bao tiêu sản phẩm hay hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là biện pháp kích cầu, thông qua đó để ngăn chặn sự suy giảm và duy trì ổn định giá lúa, gạo trên thị trường, góp phần gián tiếp hỗ trợ người trồng lúa.
Thời điểm mua tạm trữ chỉ phụ thuộc vào thị trường (khi giá lúa gạo thấp hơn giá định hướng) và do Thủ tướng Chính phủ quyết định căn cứ theo tình hình thực tế, việc điều hành cũng phải linh hoạt để bảo đảm đạt được mục tiêu khi tạm trữ. Trong các đợt tạm trữ vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ ngành xây dựng và ban hành Quy chế kiểm tra, giám sát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp trong quá trình thu mua tạm trữ... Qua kiểm tra, giám sát của các địa phương và Đoàn kiểm tra liên ngành chưa phát hiện thấy doanh nghiệp nào vi phạm các quy định của Thủ tướng Chính phủ trong các đợt mua tạm trữ vừa qua.
Về ý kiến cử tri lo ngại doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn hỗ trợ này không đúng mục đích (doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia thu mua lúa), Bộ NNPTNT sẽ lưu ý các Đoàn kiểm tra liên ngành và UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (Đoàn liên ngành của tỉnh) tăng cường việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp khi mua tạm trữ.
Tag:  thu mua lúa gạo, tạm trữ lúa gạo, người trồng lúa   



Nhà vườn Đà Lạt trúng lớn hành, khoai tây


 Nếu thời điểm này năm trước, giá hành tây, khoai tây Đà Lạt (Lâm Đồng) rẻ mạt, thì năm nay loại nông sản này được giá hơn, nhà vườn phấn khởi.
Ngày 26/2, ông Nguyễn Lợi, đường Thánh Mẫu, phường 7, Đà Lạt cho biết, giá hành tây đang ở mức 8.000 đồng/kg, được thương lái tới thu mua tại vườn. Giá này cao gấp 3-4 lần thời điểm này năm 2015. Như vậy, 1.000 m2 hành tây, trừ mọi chi phí đầu tư, nhà vườn thu về không dưới 15 triệu đồng tiền lãi sau 3 tháng gieo trồng.
Trong khi đó, đại diện HTX thương mại dịch vụ tổng hợp Anh Đào Đà Lạt cho biết, khoai tây trên địa bàn Lâm Đồng cũng đang có giá khá cao, đạt 11.000 đồng/kg, trong khi thời điểm này năm 2015 chỉ khoảng 3.500 đồng/kg. Với giá bán này, 1.000 m2 khoai tây, người trồng thu về trên 11 triệu đồng tiền lãi.
Nhà vườn Đà Lạt trúng lớn hành, khoai tây
Hành tây, khoai tây Đà Lạt đang có giá cao. Ảnh: Thạch Thảo.
Hiện tại, Lâm Đồng bước vào chính vụ thu hoạch hành tây, khoai tây với tổng diện tích toàn tỉnh đạt khoảng trên 1.000 ha. Dù đang có giá khá cao nhưng phần lớn nhà vườn tự thuê người thu hoạch rồi cho vào kho cất trữ. Nông dân Võ Văn Thưởng, ngụ khu Đất Mới, phường 7, TP Đà Lạt quả quyết, giá khoai tây, hành tây năm nay sẽ còn tiếp tục tăng khi hết mùa thu hoạch.
Sở dĩ ông Thưởng khẳng định vậy là do năm nay thời tiết phía Bắc có rét đậm, rét hại, xuất hiện băng tuyết gây hư hại cây trồng trong đó có khoai tây, hành tây. Các loại nông sản cùng loại này của Trung Quốc sẽ không còn cơ hội tuồn vào Việt Nam để “làm mưa làm gió” phá giá trên thị trường như những năm trước nữa.
Cũng với cách lý giải này, Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng dự báo, giá hành tây, khoai tây tại Lâm Đồng có thể xuống thấp hơn trong một thời gian ngắn sau đó sẽ tăng cao khi nguồn hàng trở nên khan hiếm kể từ tháng 5/2016 trở đi.



Hậu Giang: Kỳ vọng từ mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràm

Trồng tiêu ôm cây tràm đang được xem là mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn mặn ở tỉnh Hậu Giang.
Trước đây, vùng này đất này bị nhiễm phèn nặng, chỉ trồng được cây tràm, mía, khóm (dứa). Với cây lúa chỉ làm được một vụ vào mùa mưa, nhưng hiệu quả thấp. Người dân chỉ biết trồng sầu riêng, nhãn, vú sữa, cam, nhưng không hiệu quả… Rất nhiều hộ nông dân đã buộc phải đốn bỏ các loại cây trồng này. Trong lúc chưa biết chọn cây gì để chuyển đổi, một số hộ dân sau khi tận mắt chứng kiến mô hình trồng tiêu bên gốc tràm hiệu quả từ các địa phương khác đã mạnh dạn học học và ứng dụng.

Hậu Giang: Kỳ vọng từ mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràmHậu Giang: Kỳ vọng từ mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràm

Năm 2010, tận dụng số cây tràm hơn một năm tuổi sẵn có và một nọc tiêu của gia đình trồng để ăn sau nhà, ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn bắt đầu chiết ra trồng thử nghiệm 80 nọc tiêu. Do chưa có kinh nghiệm, nên chỉ có phân nửa số nọc tiêu phát triển tốt. Nhưng cũng từ số nọc tiêu này, ông lấy giống nhân rộng từ từ lên một nghìn nọc tiêu.
Hiện, số nọc tiêu của ông được 2 đến 3 năm tuổi và cho thu hoạch. Năm 2015, ông thu được 800 kg tiêu khô (1 kg tiêu khô bằng 3 kg tiêu tươi), bán với giá 220 nghìn đồng/kg. Theo ông Bình, một nọc tiêu từ 5 đến 6 năm tuổi có thể thu hoạch từ 4 đến 5 kg tiêu khô và trên nữa thì thu hoạch từ 6 đến 7 kg tiêu khô. Thông thường một nọc tiêu có thể thu hoạch trên 20 năm, khi đó còn có thêm nguồn thu từ cây tràm.
Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: Trước tiên là trồng cây tràm hơn một năm tuổi phải đào sâu từ 5 đến 7 tấc, tiếp giáp với mặt nước, sau đó dùng vôi bột rải lên gốc tràm để hạ độ phèn trước khi đặt dây tiêu, với mật độ từ 1,5 đến 2 m một nọc tiêu và chỉ sử dụng phân chuồng. Với kỹ thuật này, tràm và tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, quá trình sinh trưởng của tràm và tiêu đều bảo đảm.
Theo tính toán của ông Bình, chi phí cho một nọc tiêu từ khi trồng đến cho thu hoạch (3 năm), bao gồm bầu tiêu giống (6 nghìn đồng), cây tràm (20 nghìn đồng), tiền công lên liếp, phân bón… khoảng 100 nghìn đồng. Sau ba năm, một nọc tiêu cho thu hoạch khoảng 1 đến 2 kg tiêu khô, đủ lấy lại vốn. Có thể nói, mô hình này phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, chỉ cần một đến hai công đất trồng tiêu, thì chẳng những có cơ hội thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.
Qua theo dõi, các cơ quan chuyên môn đưa ra kết luận: mô hình trồng tiêu trên gốc tràm ở vùng đất phèn được đánh giá thật sự có hiệu quả. Có thể dùng nhiều loại cây để làm nọc tiêu, nhưng chỉ sau vài năm thì nọc sẽ bị gãy đổ hoặc chết. Trong khi đó, tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không lo bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tán tràm còn giúp dây tiêu hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Điều khá thú vị là các vườn tiêu đều phát triển tốt, năng suất khá cao, ít bị sâu bệnh. Hơn nữa, bộ rễ của cây tràm tiết ra một số chất diệt được các nấm bệnh trên cây tiêu.
Năm 2009, diện tích tràm của huyện Long Mỹ (Hậu Giang) là 431 ha, hiện nay chỉ còn 226 ha. Nguyên nhân diện tích rừng giảm là do trồng tràm cho thu nhập thấp nên người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Việc trồng tiêu ôm cây tràm được xem là mô hình hay, vừa giúp địa phương phát triển diện tích, tăng độ che phủ của rừng tràm, vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons