Ông Mai Đức Hiền ở ấp Xuân Sắc, xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang đã thành công với mô hình chuyên canh bưởi da xanh rộng 4 công (4000 m2).
Trồng bưởi da xanh cho năng suất chất lượng cao tại Tiền Giang. Ảnh minh họa
Theo ông Hiền, trước đây, trên diện tích ấy gia đình ông làm hoài mà không khá, bởi đây là mảnh vườn tạp cây gì cũng có nên thu nhập đạt được chẳng bao nhiêu. Kinh tế gia đình ông dạo ấy vô cùng khó khăn. Để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học, vợ chồng ông phải đi làm thuê, làm mướn cho bà con trong ấp, những lúc rãnh rỗi thì đi mò cua, bắt ốc nhằm cải thiện bữa ăn gia đình.
Ông Dương Trọng Viễn ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho hay, qua những chuyến tham quan thực tế các mô hình chuyên canh cây ăn trái do Trạm Khuyến nông huyện Cai Lậy tổ chức, ông Hiền nhận thấy cây bưởi da xanh cho hiệu quả kinh tế khá, đầu ra ổn định và tương đối dễ trồng. Thế là năm 2003 ông mạnh dạn phá bỏ mảnh vườn tạp, thuê nhân công đào mương, xẻ liếp lập vườn trồng chuyên canh bưởi da xanh. Trong những năm đầu, để lấy ngắn nuôi dài ông thường tận dụng những khoảnh đất trống trồng xen chuối cau kiếm thêm thu nhập. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, ham tìm tòi, học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện chuyển giao cũng như thường xuyên theo dõi các chương trình Bạn nhà nông trên sóng truyền hình, ông đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hay đem áp dụng vào thực tế sản xuất một cách bài bản nên vườn bưởi của ông luôn phát triển như ý muốn, tàn lá xanh mượt.
Năm 2007 bưởi bắt đầu cho trái vụ đầu tiên. Vụ đó ông thu hoạch được hơn 3 tấn trái, bán với giá 24.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 70 triệu đồng.
Mặc dù nguồn thu nhập mà cây bưởi da xanh mang lại cũng tương đối khá nhưng ông vẫn thấy chưa hài lòng bởi bưởi thu hoạch chính vụ giá cả thường bấp bênh. Chính vì vậy mà ông đã áp dụng các biện pháp kĩ thuật điều khiển cho cây bưởi ra trái nghịch vụ nhằm bán được giá cao.
Theo đó, vào đầu tháng 8 âm lịch, ông bón phân đón ra hoa cho cây với loại phân có hàm lượng lân và kali cao theo công thức NPK 7 – 17 – 12, khi cây đã bắt phân, ông tiến hành ngắt lá trên cành nhện (cành già), đồng thời phun thêm các loại thuốc kích thích ra hoa. Với cách áp dụng như trên, vụ bưởi nghịch nào ông cũng trúng mùa, được giá. Tính ra mỗi năm bưởi nghịch vụ mang về cho gia đình ông nguồn thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.
Có vốn, ông đầu tư mua sắm các máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất, đặc biệt ông đã trang bị được hệ thống tưới phun tự động giúp tiết kiệm lượng nước tưới, chi phí và công lao động, gia tăng hiệu quả tưới tắm so với tưới ống ngoài ra, ông còn tích lũy vốn mua thêm được 3 công (3000 m2) đất, tiếp tục đầu tư trồng chuyên canh bưởi da xanh, hiện mảnh vườn ấy cũng đã cho thu hoạch được ba vụ trái. Những năm gần đây, nhận thấy bưởi tết thường “sốt giá” nên ông đã áp dụng xử lý bưởi ra hoa bán vào dịp tết đối với 3 công vườn nói trên. Hiện tại vườn bưởi ấy đang cho trái xum xuê, ước tính cho năng suất trên 5 tấn trái, dự tính sẽ cho thu hoạch vào dịp tết nguyên đán năm nay, hứa hẹn sẽ cho ông một mùa vụ bội thu nữa.
Qua nhiều năm gắn bó với cây bưởi da xanh, ông chia sẻ bưởi rất ưa bóng râm, với những vườn bưởi có bóng râm trái ít bị nám nắng, màu sắc bóng đẹp, cây lại hạn chế được hiện tượng vàng lá. Bởi thế cho nên trong vườn ông luôn bố trí trồng xen các loại cây như so đũa, chuối, cau với mật độ thích hợp nhằm tạo bóng mát cho cây. Bên cạnh việc bón cân đối phân NPK, ông luôn ông trọng bón đầy đủ phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục cho cây, nhất là giai đoạn sau thu hoạch. Hằng năm vào tháng 2-3 âm lịch ông còn vét bùn bồi mô liếp với lớp bùn dày 2-3 cm nhằm cung cấp thêm dưỡng chất, tạo độ tơi xốp cho cây. Nhờ vậy mà vườn bưởi nhà ông tuy đã trên 10 năm tuổi nhưng vẫn còn phát triển khá sung mãn, cho năng suất cao và duy trì tuổi thọ lâu bền.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét