So với cách nay một năm, giá hầu hết các loại nguyên liệu giảm trung bình 25 – 30%, điều này giúp ngành chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tiết giảm đáng kể giá thành sản xuất.
Khi nhịp sống còn chưa trở lại bình thường sau những ngày vui tết, ông Nguyễn Văn Minh, một người chăn nuôi gà đẻ ở Đồng Nai đã bắt tay vào kế hoạch tiết giảm chi phí chăn nuôi cho cả năm 2016.
Cuối năm ngoái, nhận thấy tình hình thị trường ngày một khó khăn, sức tiêu thụ giảm, giá trứng khó tăng cao, trong khi áp lực thịt nhập khẩu đè nặng ngành chăn nuôi nội địa, ông Minh đã lên kế hoạch giảm chi phí sản xuất để tăng tính cạnh tranh cho mỗi quả trứng.
Việc làm đầu tiên là rà soát lại danh mục nhập nguyên liệu. Không như các trang trại chăn nuôi khác phụ thuộc cám công nghiệp, ông Minh đầu tư máy tự trộn thức ăn, mua nguyên liệu về sản xuất cung cấp cho trại gà đẻ gần nửa triệu con của gia đình mình.
Hiện nay, giá hầu hết nguyên liệu như bã đậu nành, bắp, tấm, lúa mì đều đang ở mức thấp, tuy nhiên, theo ông Minh, nếu lấy qua đại lý thì chênh lệch lên tới 15 – 20%, nên ông quyết định chuyển qua nhập trực tiếp của các công ty thương mại.
“Theo cách này phải trường vốn vì công ty thường chỉ cho nợ gối đầu tối đa 15 – 30 ngày sản xuất. Tui đã chuẩn bị đủ vốn từ cuối năm trước cả rồi”, ông Minh bảo vậy.
Không chỉ ông Minh, ngay từ những ngày đầu năm 2016, người chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản đón nhận tin vui giá nguyên liệu sản xuất thức ăn giảm xuống mức đáy trong vòng mười năm trở lại đây.
Cách nay đúng một năm, một ký bã dầu đậu nành 11.000 – 12.000 đồng, nay giá đã về 7.500 – 8.600 đồng. Tương tự, giá bắp nhập khẩu từ trên dưới 6.000 đồng thì bây giờ những người chăn nuôi như ông Minh cũng chỉ phải bỏ ra có chưa tới 5.000 đồng là mua được.
Các loại nguyên liệu phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản khác như cám gạo, lúa mì, mì lát, bột cá, bột thịt… cũng đang ở mức thấp.
Ông Hùng, giám đốc công ty nhập khẩu nguyên liệu thức ăn ở TPHCM, nói giá nguyên liệu đầu vào thức ăn giảm ít nhất là 30% so với đầu năm 2015. Một năm trước, do nguyên liệu cao giá nên các công ty sản xuất thức ăn đưa ra giá bán 1kg cám hỗin hợp là 11.000 đồng, bây giờ giá trung bình chỉ còn 8.500 – 9.000 đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, các công ty cho hay do giá xăng dầu giảm nên họ tiếp tục hạ giá nguyên liệu mỗi loại thêm vài trăm đồng nữa. Do đó, đến đầu tháng 3 tới đây, khi lứa gà đẻ sử dụng nguyên liệu giá rẻ hiện nay, theo ông, chi phí sản xuất mỗi quả trứng sẽ giảm được trung bình 200 – 300 đồng, chỉ còn 1.150 – 1.200 đồng.
“Gia đình tui sử dụng mỗi tháng khoảng 20 tấn thức ăn, sau khi cộng hết tất cả chi phí nguyên liệu, khấu hao máy móc, lãi suất thì mỗi tháng đã giảm được 60 triệu đồng tiền thức ăn so với lúc nguyên liệu giá cao”, ông Minh khẳng định.
Cách nay tròn một quý, tức rơi vào quý 4/2015, nông dân nuôi gà trắng công nghiệp cũng tính toán giá thành sản xuất 1kg gà trắng khi đó khoảng 25.000 đồng, nay hỏi lại thì họ quả quyết, chỉ còn khoảng 24.000 đồng.
Tương tự, giá thành sản xuất heo hơi không phải là 39.000 – 40.000 đồng/kg nữa, mà với giá thức ăn rẻ hiện nay, người nuôi tiết kiệm được ít nhất 2.000 – 3.000 đồng.
Đối với con cá tra cũng vậy, nếu lấy hệ số chăn nuôi trung bình 1,5kg thức ăn được 1kg cá tra, thì với giá thức ăn mà các công ty đang bán khoảng 9.000 đồng, cộng với tiền giống, thuốc men, nhân công… ra giá thành nuôi cá tối đa 19.000 đồng, giảm 2.000 đồng so với trước.
Ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản An Giang (Agifish) nói việc giá nguyên liệu đầu vào giảm sẽ là động lực cạnh tranh cho mặt hàng tôm và cá tra xuất khẩu trong năm 2016. “Với giá thành 19.000 đồng/kg, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ có nhiều lựa chọn hơn để đưa ra giá bán có lợi, tăng thị phần xuất khẩu nhiều nhất”, ông Ký nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét