Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2016

Thị trường không thuận, doanh nghiệp thủy sản, cao su chấp nhận đi lùi

Năm 2015, ngoài khó khăn của các DN dầu khí do chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá dầu thế giới, các DN trong lĩnh vực thủy sản, cao su cũng gặp chẳng mấy thuận lợi.
Trước tình hình khó khăn dự báo còn có thể kéo dài, kế hoạch kinh doanh 2016 của những DN thuộc 2 nhóm ngành này cũng khiêm tốn hơn so với những năm trước. 
Đối với ngành cao su, giá mủ cao su liên tục lao dốc trong năm 2015 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Diện tích cao su trồng mới giảm đáng kể, trong khi một số hộ dân trồng cao su đã phải ngưng thu hoạch mủ vì giá bán thấp hơn giá thành. Trên sàn niêm yết, có 5 DN cao su tự nhiên, bao gồm PHR, TNG, HRC, TRC và DPR đều công bố kết quả kinh doanh năm 2015 sụt giảm so với năm 2014.
Năm 2015, CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) đạt 362,9 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ hơn 57 tỷ đồng, giảm mạnh 59% so với thực hiện năm 2014. Năm 2016, kế hoạch kinh doanh của TRC tiếp tục giảm so với năm 2015, với doanh thu mục tiêu 338,5 tỷ đồng, giảm 24% và lợi nhuận sau thuế 37,64 tỷ đồng, giảm nhẹ so với chỉ tiêu 40,13 tỷ đồng của năm 2015.
Cũng trong năm nay, TRC dự kiến khai thác 9.100 tấn mủ cao su và sản lượng tiêu thụ 10.610 tấn, trong đó xuất khẩu là 1.744 tấn, cao hơn 200 tấn so với lượng mủ xuất khẩu năm 2015. Lượng hàng nội tiêu giảm xuống còn 8.866 tấn.
Doanh thu 2015 của CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) đạt 699 tỷ đồng, giảm 22%; lợi nhuận trước thuế 181 tỷ đồng, giảm 31%; lợi nhuận sau thuế 145,84 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm nhưng vẫn sụt giảm 31% so với năm 2014. Sau cuộc họp vào đầu tháng 2 về kế hoạch 2016, DPR đặt mục tiêu sản lượng khai thác 13.900 tấn, giảm so với thực hiện năm 2015 là 15.479 tấn, giá bán bình quân 26 triệu đồng/tấn, giảm so với giá bán bình quân trong năm là hơn 31 triệu đồng/tấn; tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến từ 70-90 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với thực hiện năm 2015.
Tương tự, tại CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), năm 2015, PHR đạt doanh thu 920 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế là 237,5 tỷ đồng và 192 tỷ đồng, giảm lần lượt hơn 30%, 31% và 27% so với kết quả 2014 (riêng lãi trước thuế vẫn vượt kế hoạch hơn 64%). Khá dè dặt với kế hoạch kinh doanh năm 2016, PHR đặt mục tiêu tổng doanh thu 900 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ cao su là 723 tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh thu.
Với HRC và TNC, lợi nhuận 2015 đều teo tóp. HRC lãi cả năm chỉ 30,5 tỷ đồng, giảm 45% so với năm 2014. TNC thậm chí còn lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý IV/2015 và cả năm chỉ lãi hơn 18 tỷ đồng. Theo đó, TNC cũng rất thận trọng với kế hoạch lãi trước thuế khiêm tốn 2,15 tỷ đồng, chỉ bằng 1/5 kết quả đạt năm 2015.
Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều DN không đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng và với dự báo năm 2016 vẫn còn nhiều khó khăn, các DN đều đưa ra kế hoạch khá thận trọng.
CTCP Hùng Vương (HVG) đặt kế hoạch doanh thu 24.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng mạnh so với thực hiện năm 2015 là 151 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG, đây là kế hoạch thận trọng, bởi tính riêng khả năng đóng góp của CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) vào HVG theo ước tính cũng đã gần đạt con số trên.
Tại Agifish (AGF), một công ty con khác do HVG sở hữu hơn 79,58% vốn, ĐHCĐ niên độ tài chính 2015-2016 đã thông qua kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng.
Với CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC), năm 2015, doanh thu đạt 2.877 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch, nhưng lãi ròng tăng mạnh 51%, đạt 95 tỷ đồng. Năm 2016, FMC lên kế hoạch đạt doanh thu 3.375 tỷ đồng và lãi trước thuế 110 tỷ đồng. HVG hiện đang sở hữu 53,5% vốn của FMC.
“Ông lớn” Tập đoàn Minh Phú (MPC) cũng có một năm khá khó khăn do bị ảnh hưởng bởi thuế chống bán phá giá của Mỹ. Đây cũng là lý do khiến MPC xin gia hạn báo cáo tài chính quý IV/2015. MPC đã lần đầu tiên báo lỗ 14,6 tỷ đồng trong quý II/2015 và lãi lũy kế 9 tháng chỉ là 12,5 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ 2014 và thực hiện chưa bằng 1% kế hoạch 2015.
Đối với CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), năm vừa qua, doanh thu đạt 6.496 tỷ đồng, tăng nhẹ 3%, nhưng lãi ròng chỉ đạt 323 tỷ đồng, giảm 27% so với năm trước do hoạt động tài chính chưa hiệu quả. Năm 2016, với dự kiến đưa nhà máy mới đi vào hoạt động, VHC đặt mục tiêu sản lượng bán đạt 700 tấn (collagen peptide 300 tấn, gelatin 400 tấn), doanh thu từ 6-8 triệu USD, trong đó 90% là từ xuất khẩu các dòng sản phẩm này. VHC vừa công bố sẽ nới tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên 100% kể từ ngày 21/2/2016. Hiện tại, NĐT nước ngoài đang nắm 32,5% vốn tại VHC.           



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons