CÒN GẦN 2 TUẦN NỮA LÀ ĐẾN TẾT NGUYÊN ĐÁN, NHƯNG NHIỀU DIỆN TÍCH HOA Ở LÂM ĐỒNG NHƯ LAY ƠN, LILY, CÁT TƯỜNG ĐỒNG LOẠT NỞ SỚM KHIẾN NÔNG DÂN LÂM VÀO CẢNH ĐIÊU ĐỨNG.
Theo nhiều nhà vườn tại làng hoa Thái Phiên, vùng chuyên canh hoa lớn nhất Đà Lạt, cuối năm thời tiết ấm lên, nắng nóng bất thường nên hoa bung nở sớm. Theo ước tính của những người trồng hoa, năm nay hầu hết các loại hoa đều bị nở trước Tết với diện tích khá lớn, trong đó thiệt hại nặng nề nhất là những nông hộ trồng cát tường, sau đó đến lily với hơn 50% diện tích đã bung nở.
Gia đình ông Vũ Văn Thìn, Phường 12 (Đà Lạt) năm nay xuống giống 2.000 m2 cát tường để bán Tết nhưng cách đây hơn 10 ngày hoa đã cũng đã bung nở gần hết. Với tình trạng này nhà vườn buộc phải cắt tỉa những cành nở đem bán vớt vát phần nào công sức lao động, tiền của đã bỏ ra, một số hộ bán không hết phải cắt đem đi đổ.
“Chưa năm nào như năm nay, thu hoạch hoa mà nặng trĩu. Chỉ riêng chi phí đầu tư đã vài chục triệu đồng, chưa kể công sức bỏ ra mấy tháng đầu tư, chăm sóc… Giờ chỉ biết cố gắng khống chế đám hoa còn lại cho nở chậm để bán Tết mong lấy lại chút vốn thôi”, ông Thìn rầu rĩ chia sẻ.
Cát tường bung nở sớm
Cũng trong làng hoa Thái Phiên không những các hộ trồng cát tường lâm vào cảnh điêu đứng, mà nhiều người trồng lily cũng “ăn không ngon, ngủ không yên” khi các bông lily đã bung nở sớm hơn dự định.
Thê thảm hơn, tại làng hoa xã Hiệp An (huyện Đức Trọng) - nơi có diện tích canh tác hoa lay ơn lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, hàng trăm ha hoa lay ơn phục vụ Tết nở sớm khiến bà con nông dân ở đây “mếu máo” lo mất Tết.
Hoa ly cũng phải thu hoạch sớm dù chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết
Bà Hoàng Thị Sáu (55 tuổi, thôn Tân An, Hiệp An) cho biết: mới đầu tháng chạp âm lịch, hoa đã nở và đến nay thì nở hơn 50% nên đành thu hoạch sớm bán với giá rẻ mạt. Nếu nở trễ ít hôm sẽ bán được giá từ 35.000 - 50.000 đồng/bó (10 cây), hiện tại chỉ bán được với giá 3.000 - 4.000 đồng/bó, bán hết cả vườn không đủ tiền trả công thuê người thu hoạch chứ nói gì đến lời lãi.
“Hoa nở đỏ cả ruộng bán không được, nhiều hộ ở đây bỏ hoa luôn ngoài ruộng, có gia đình đến xin nhổ về cho bò ăn chúng tôi đều cho hết. Vì hoa đã không bán được, lỗ vốn rồi lại mất công thuê người nhổ bỏ…”, bà Sáu buồn bã nói thêm.
Hoa nở bán không được nên người dân đành cắt bỏ
Gia đình ông Lê Đình Oai (48 tuổi, thôn K’Long, xã Hiệp An), còn lâm cảnh bi đát hơn khi vườn hoa lay ơn đã nở gần hết mà bán không ai mua. Tiền vốn bỏ ra đầu tư đã không thu lại được, nếu thuê người nhổ cây lên thì phải mất thêm tiền công nên ông bỏ luôn cho hoa nở đỏ ruộng. “Bây giờ tôi bỏ cho nở hết ngoài đồng, ai xin tôi cho hết, cho nhổ cả vườn…”.
Ông Phan Trọng Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp An (Đức Trọng) cho biết, toàn xã trồng khoảng 360 ha lay ơn cho mùa Tết năm nay, chưa tính diện tích bà con ở đây đi thuê đất trồng ở địa phương khác.
Hoa lay ơn gần hết khi còn 2 tuần nữa mới tới Tết
“Về kỹ thuật trồng hoa thì các nông hộ ở đây vẫn áp dụng như mọi năm, nhưng năm ngoái thời tiết lạnh hoa trổ bông trễ, nên năm nay bà con rút kinh nghiệm trồng sớm hơn ai ngờ thời tiết lại nóng lên bất thường nên hoa nở sớm, nông dân bị thiệt hại rất nhiều…”, ông Hiền cho biết thêm.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, để phục vụ thị trường hoa Tết, tỉnh này đã xuống giống khoảng 2.200ha hoa các loại. Chiếm diện tích lớn nhất là hoa cúc, lay ơn, lily, cát tường… tập trung tại TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Lâm Hà và Đức Trọng.
Nông dân cắt hoa về cho bò ăn
Riêng tại Đà Lạt, các loại hoa Tết năm nay là gần 1.000ha, trong đó diện tích lớn nhất thuộc về hoa cúc với 495ha, tiếp đó là các loài hoa được ưa chuộng trong dịp Tết như hoa cát tường 114ha, địa lan 30ha, hoa hồng… Tuy nhiên, hiện nhiều nhà vườn trồng hoa tại Đà Lạt cũng như các huyện lân cận đang rơi vào tình cảnh “lao đao” vì rất nhiều diện tích hoa các loại đã bung nở mặc dù còn gần 2 tuần nữa mới tới Tết.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét