Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

XK thủy sản: Thay đổi và thích nghi

Năm 2016 được dự báo có nhiều thuận lợi hơn cho thủy sản xuất khẩu tại các thị trường Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, những rào cản thương mại mới khiến các DN buộc phải thay đổi, thích nghi... nếu muốn đi đường dài.
Giảm sức cạnh tranh
Thủy sản là một trong những thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam khi liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm trở lại đây và thăng hoa với kim ngạch 7,84 tỷ USD năm 2014. Tuy nhiên, bước sang năm 2015, thủy sản Việt Nam dường như đuối sức khiến kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết thị trường chính đều giảm mạnh. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2015 xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 6,7 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2014. Trong đó, mặt hàng bị giảm sâu nhất là tôm. Mặc dù chiếm tỷ trọng 44% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng tôm chỉ thu được gần 3 tỷ USD, bằng 75% kết quả của năm 2014. Không những vậy, tôm Việt Nam chỉ vào được 92 thị trường thay vì 150 thị trường như năm 2014, đồng thời giá trị xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đều giảm mạnh, như EU giảm 18%, Nhật Bản giảm 22,8%, Trung Quốc giảm 17% và giảm mạnh nhất là Hoa Kỳ: 35,4%.
Phân tích về nguyên nhân tôm đuối sức, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định do đồng tiền của các nước nhập khẩu chính mất giá, đồng tiền của các nguồn cung cạnh tranh với Việt Nam phá giá mạnh, cộng với biến động tỷ giá USD so với các tiền tệ khác, trong khi giá thành sản xuất tôm ở Việt Nam đứng ở mức cao. Các yếu tố này đã làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt trong năm 2015.
Đi xuống cũng là xu hướng đối với cá tra, bởi lẽ loài thủy sản này cũng “bốc hơi” 10,4% so với năm 2014 với giá trị xuất khẩu khoảng 1,58 tỷ USD. Theo đánh giá của VASEP, tại hầu hết thị trường lớn, xuất khẩu cá tra gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu chậm; giá bán không tăng; yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm khắt khe hơn. Hoa Kỳ và EU là 2 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất nhưng giá trị xuất khẩu giảm liên tiếp, lần lượt ở mức 317,9 triệu USD và 294,9 triệu USD, tương ứng giảm 5,6% và 14,3% so với năm 2014. Đặc biệt, với Hoa Kỳ, nhu cầu cá tra vẫn cao, song kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá trong đợt POR10 lên tới gần 1USD/kg , càng khiến doanh nghiệp Việt khó có thể duy trì được thị trường này. Theo VASEP, hiện chỉ còn hơn 10 DN xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ.

Chế biến thủy sản xuất khẩu.

Đổi thay chính mình
Bước sang năm 2016, các DN thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố: giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan, thuế chống bán phá giá… Đặc biệt, chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ sẽ bắt đầu quá trình chuyển tiếp 18 tháng từ ngày 1-3-2016, đã đặt ra không ít trở ngại cho xuất khẩu cá tra. Những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay lao động rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam trong các FTA...
Đó là những thách thức từ bên ngoài, nhưng ngay trong chính nội tại ngành thủy sản Việt Nam cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo ông Trương Đình Hòe, giá thành sản phẩm thủy sản Việt Nam cao hơn so với các nước đối thủ, trong khi đó chi phí sản xuất tiếp tục tăng do đầu vào phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài (con giống, thức ăn, thuốc thú y). Giá thành sản xuất một con tôm giống của Việt Nam hiện nay cao gấp gần 2 lần so với Ấn Độ. Chi phí cho thức ăn trong chăn nuôi tôm của Việt Nam cũng cao hơn bình quân 40%. Trong khi đó, do nhiều yếu tố môi trường và dịch bệnh, tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam hiện vẫn thấp, chỉ khoảng 33-40%, trong khi Indonesia hay Ấn Độ tỷ lệ nuôi thành công lên tới 70%. Những yếu tố này khiến giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam luôn cao hơn đối thủ từ 1-3USD/kg...
Theo đánh giá của VASEP, năm nay Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cũng như một số FTA thế hệ mới được ký kết hoặc bắt đầu có hiệu lực, sẽ có những tác động tích cực đến ngành thủy sản. Cụ thể, hội nhập sẽ giúp ngành thủy sản gia tăng đầu tư, mở rộng thị phần, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng hàm lượng chế biến và có nhiều cơ hội phát triển hơn. Và khi các FTA có hiệu lực, thủy sản Việt có lợi thế so sánh hơn hẳn các nước xuất khẩu cạnh tranh như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ecuador, Argentina và Ấn Độ. Bởi lẽ các nước này hoặc không có FTA với các nước nhập khẩu thủy sản lớn (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản), hoặc không có lợi thế cộng gộp trong 12 nước TPP ngay cả khi đã có FTA với các thị trường này. Thí dụ, ngoại trừ surimi, cá ngừ đóng hộp, thăn cá ngừ và cua là những mặt hàng hoặc phải có hạn ngạch (trong FTA Việt Nam- EU), hoặc lộ trình giảm thuế dài 7-10 năm, còn lại hầu hết mặt hàng thủy sản Việt Nam đều sẽ có mức thuế bằng 0% ngay khi các FTA có hiệu lực, hoặc lộ trình rất ngắn từ 3-5 năm.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng hiện Chính phủ và DN đều quan tâm, chủ động có các chương trình mục tiêu cụ thể cho chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đặc biệt là kiểm soát kháng sinh. “Sự quan tâm chung và những kế hoạch, trách nhiệm cụ thể của Nhà nước và các thành phần trong chuỗi sản xuất sẽ là nòng cốt tạo nên niềm tin đối với khách hàng trong bối cảnh hiện nay” - đại diện VASEP khẳng định.
Trước nhiều cơ hội và thách thức trong năm 2016, VASEP dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2015. Điều đó phụ thuộc rất lớn vào các DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản có thay đổi, vượt lên chính mình hay không?


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons