Những ngày này, khi cả nước rộn ràng đón xuân mới, cũng là thời điểm nông sản được tiêu thụ mạnh. Trái cây, hoa kiểng, lương thực, thực phẩm được thương lái đến thu mua tận nơi với số lượng lớn.
Dù trong bối cảnh sức mua mùa tết đối với các mặt hàng nông sản đang tăng cao, vẫn cần phải chú trọng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, bởi đó chính là cách thiết thực giúp nông dân cải thiện đời sống và có cái tết an vui.
Về các vùng chuyên canh, nghe bà con nông dân sôi nổi bàn luận chuyện thu hoạch, năng suất, giá bán, lời lỗ... có thể ghi nhận: Bên cạnh niềm hân hoan đón tết, người nông dân còn có nhiều nỗi lo toan. Nông dân huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) lo lắng vì vào vụ thu hoạch nhưng giá dưa hấu sụt giảm liên tục, thậm chí không có thương lái đến hỏi mua, còn đến cả ngàn tấn dưa hấu chưa tiêu thụ được. Nông dân huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) ngờ vực khi thấy thương lái vào vườn thu mua luôn cả những trái sầu riêng còn xanh chưa ăn được.
Nông dân nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi (TPHCM) đang lo sữa khó tiêu thụ do đàn bò sữa ở địa phương tăng cao đến mức cung vượt cầu. Nông dân trồng hoa kiểng ở miền Tây đang hồi hộp, giật mình khi thấy nhiều nhà vườn trồng cùng chủng loại hoa, rất dễ gặp nguy cơ dội chợ. Nông dân nhiều nơi xôn xao khi nghe tin nhãn hiệu thức ăn gia súc mình đang dùng nuôi heo có sử dụng chất cấm, e khó bán đàn heo...
Những nhà vườn làm ăn quy mô lớn lại có nỗi lo lớn hơn: Với việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), bắt đầu từ ngày 1-1-2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%. AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có thể cạnh tranh với nước ta về hàng nông sản.
Thực tế trong năm 2015, khi AEC chưa hình thành, nước ta cũng đã nhập khẩu hàng trăm triệu USD các loại trái cây: me, sầu riêng, xoài, chôm chôm, bòn bon Thái Lan; hồng, cam, quýt, nho, táo Trung Quốc.
Để hóa giải những nỗi lo toan đó, tại nhiều diễn đàn đã có những phân tích, kiến nghị, đưa ra những giải pháp xác đáng. Có những quan điểm rất mạnh mẽ như: Không thể bắt người tiêu dùng phải sử dụng loại nông sản nội giá cao mà chất lượng không bằng nông sản nhập khẩu. Do vậy, nên xem việc mở cửa thị trường nông sản là động lực thúc đẩy nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng nông sản nội. Phải gấp rút tái cơ cấu, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng lớn, chuyển nông dân thành những công nhân nông nghiệp, được đào tạo, có kỹ năng và biết tuân thủ kỷ luật thị trường.
Cần có những chính sách giúp đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, mở thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến từ nông sản nguyên liệu.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đưa ra những giải pháp căn cơ cho việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản như: Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; đẩy nhanh công nghiệp hóa nông nghiệp, để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân; khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới, nâng cao giá trị gia tăng; xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ.
Đó là những chiến lược dài hạn, còn trước mắt, trong mùa tết này, cách hỗ trợ nông dân thiết thực nhất là các doanh nghiệp phân phối ở các đô thị lớn kết nối với các doanh nghiệp cung ứng nông sản cho thị trường tết, để tạo đầu ra cho sản phẩm. Không để tiếp diễn tình trạng các hợp tác xã cung ứng nông sản sạch lại phải loay hoay tìm thị trường.
Các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng nên tăng cường kho chứa, kho lạnh bảo quản để thu mua được nhiều nông sản, không để nông dân phải khốn khổ mất tết vì không bán được nông sản.
Trong năm qua, đã có nhiều lần người tiêu dùng nhiệt tình tham gia “giải cứu” nông sản mất thị trường tiêu thụ, bằng cách nhận bán giúp, mua giúp. Nhưng “bán giúp, mua giúp” không phải là giải pháp kỳ vọng cho chuyện tiêu thụ nông sản. Nhà kinh doanh và người tiêu dùng ở các đô thị có cách hỗ trợ nông dân một cách thân ái và có trách nhiệm, là không dìm giá, không đẩy nông dân vào tình thế phải bán phá giá.
Trong những năm gần đây, tại TPHCM thường có tình trạng nông sản cung ứng thị trường tết như dưa hấu, hoa kiểng... không bán được, vì người tiêu dùng có ý chờ đến 29, 30 Tết, khi hàng dội chợ người bán đành phải bán rất rẻ nếu không muốn vứt đi. Cách hành xử như vậy không xứng với cư dân của một thành phố nghĩa tình, rất mong không lặp lại trong mùa xuân này.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét