Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Manh nha thương hiệu gạo Việt

Nhiều nhãn hiệu gạo chất lượng cao bắt đầu xuất hiện, được thị trường trong nước chấp nhận, tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia xuất khẩu.

 
   
Đặt tên cho gạo Việt
Tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được một số nhãn hiệu gạo Việt Nam đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, ban đầu được thị trường chấp nhận.
manh nha thuong hieu gao viet hinh anh 1
 Sản xuất lúa hữu cơ ở Sóc Trăng. Ảnh:  T.H
Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II),  cho biết, tới thời điểm hiện tại, Vinafood II đã có 7 đơn vị đăng ký nhãn hiệu gạo. Cụ thể, Công ty cổ phần Mecofood đăng ký tên nhãn hiệu Thố Cơm cho các dòng sản phẩm Nàng Thơm Long An, Hương Lài KDM 105, Tài Nguyên Chợ Đào; Công ty Lương thực Long An đăng ký nhãn hiệu “Cô gái mặc áo dài đội nón lá” cho các dòng sản phẩm; Công ty TNHH MTV Lương thực TP.HCM với các nhãn hiệu Đồng Xanh, Hạt Ngọc, Hương Lúa và Công ty Lương thực Đồng Tháp đăng ký 3 nhãn hiệu Hương Tràm, Sếu Đỏ, Ramsar.
Còn theo ông Lê Thanh Khiêm - Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood), doanh nghiệp này cũng có đến 11 nhãn hiệu gạo đã được đăng ký tiêu chuẩn cơ sở, được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Tiền Giang) chứng nhận phù hợp với các quy định hiện hành về chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng theo ông Khiêm, các nhãn hiệu này hiện chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống gồm 4 cửa hàng tiện ích của công ty, hệ thống siêu thị Metro, BigC, Lotte, Vinmart… và các nhà hàng, bếp ăn sỉ và lẻ… Mức tiêu thụ hàng năm khoảng 50 - 200 tấn và đang được người tiêu dùng khá ưa chuộng.
Không chỉ các đơn vị thuộc Vinafood II, nhiều doanh nghiệp chế biến, kinh doanh lúa gạo thời gian qua đã tâm huyết xây dựng nhiều nhãn hiệu gạo cao cấp, bước đầu được thị trường trong nước chấp nhận như Ngọc Đồng của Công ty Gentraco, gạo Hương Lúa của ITA Rice, nhãn hiệu gạo Tứ Quý của Công ty ADC hay gạo hữu cơ Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú, Hạt ngọc trời của Tập đoàn Lộc Trời…
Theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Thòn – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, việc xây dựng các nhãn hiệu gạo được thị trường tiêu thụ trong nước chấp nhận là cơ sở để các doanh nghiệp vươn đến xây dựng các thương hiệu trên trường quốc tế.
Theo ông Thòn, gạo Việt Nam trước hết phải được người Việt Nam tin dùng, thương hiệu gạo Việt Nam thì cũng phải được người tiêu dùng trong nước biết đến rồi mới tính đến chuyện giới thiệu đến khách hàng năm châu.
Đường dài phía trước
Dù đã bước đầu xuất hiện khá nhiều nhãn hiệu gạo ngon, có chất lượng trên thị trường, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, để xây dựng được thương hiệu lúa gạo quốc gia sẽ còn cả quãng đường dài phía trước. GS Võ Tòng Xuân - một chuyên gia đầu ngành lúa gạo phân tích, nhiều loại gạo đặc sản cũng như một số nhãn hiệu sản phẩm sau khi được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nhưng sau đó không khai thác hiệu quả hoặc bị xâm phạm, sử dụng sai mục đích… Ví dụ như gạo Nàng Thơm Chợ Đào, đây từng  là sản vật của phương Nam dùng để tiến vua, có sản lượng rất hạn chế nhưng hiện được bày bán tràn lan trên thị trường.

"Muốn có thương hiệu cho gạo thì phải tạo ra một chuỗi giá trị, trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải làm chủ được nguồn nguyên liệu. Vấn đề này đang dần được khắc phục bằng cách liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn tại các địa phương”.
 GS-TS Võ Tòng Xuân.

Theo tính toán của GS Xuân, gạo Nàng Thơm Chợ Đào chỉ đảm bảo chất lượng thơm ngon khi trồng trên phần đất thuộc xã Mỹ Lệ  (Cần Đước, Long An). Nếu đem giống ra sản xuất ở các vùng khác cũng sẽ không đạt chất lượng, không thơm, không dẻo như gạo trồng ở xã Mỹ Lệ. Với diện tích khoảng 500ha sản lượng lúa Nàng Thơm Chợ Đào chỉ khoảng 11.000 – 12.000 tấn/năm, nhưng trên thị trường, loại gạo này bày bán khắp nơi với số lượng lớn, chất lượng thật giả lẫn lộn.
Hay như đối với nhiều nhãn hiệu khác, dù đã xây dựng được tên tuổi nhưng việc tìm đầu ra vẫn rất khó khăn, hoặc khó có thể phát triển mô hình với quy mô lớn, ví dụ như mô hình gạo hữu cơ Hoa Sữa.
Ông Võ Minh Khải – Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú (Cà Mau), cho biết, nhận thấy tiềm năng của thị trường gạo hữu cơ còn rất lớn, ông đầu tư hơn 70 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, bắt tay vào sản xuất lúa hữu cơ trên diện tích 320ha ở vùng U Minh Hạ (Cà Mau). Sản phẩm gạo hữu cơ Hoa Sữa của Viễn Phú đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).
Đến tháng 2.2013, Viễn Phú xuất được lô hàng gạo hữu cơ đầu tiên sang Anh và tiếp tục mở rộng thị trường sang Singapore, Canada, Nga… Đơn hàng ngày càng lớn, thế nhưng, đến nay, Viễn Phú có nguy cơ phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất. Lý do là doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính để có thể mở rộng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng lớn, trong khi đó, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ của Nhà nước rất khó khăn.
“Doanh nghiệp không thể bán hàng cho đối tác và hẹn 6 tháng sau mới giao đơn hàng thứ hai. Để phát triển, doanh nghiệp phải có sản lượng đủ lớn và đều đặn để đảm bảo cung cấp cho khách hàng. Viễn Phú gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất gạo hữu cơ”- ông Khải chia sẻ.
Một số chuyên gia cho rằng, để đăng ký thương hiệu độc quyền cho nông sản, theo các chuyên gia, cần xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đồng thời, phải hội đủ các yếu tố như sản phẩm chất lượng cao và mang tính đặc thù của vùng, quy trình sản xuất phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; sản lượng, quy cách, chất lượng đồng đều… Đặc biệt, công nghệ chế biến sau thu hoạch thật tốt và quảng bá thương hiệu cần chuyên nghiệp.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons